– Ngoài việc là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong mấy năm qua, ông Tâm còn là một “chuyên gia” trồng xoài Tứ Quý thuộc vào hàng bậc nhất nơi đây. Ngày trước, ông Tâm ở Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), sau nhiều lần có dịp vào miền Nam chơi, thấy vùng đất nơi đây màu mỡ, dễ phát triển kinh tế, ông mới quyết định vào đây sinh sống và lập gia đình kể từ năm 1983. Ông cho biết: “Khi mới vào, được Nhà nước cấp cho một thổ cư và 4 công ruộng, nhưng đất còn hoang vu, ban đầu chỉ trồng chuối và tre, nguồn thu nhập mang lại không được bao nhiêu. Làm nhiều năm nhưng vẫn không lo nỗi cái ăn, cái mặc, cuộc sống gia đình rất khó khăn, có lúc phải dùng ghe bán hàng hóa dưới sông mới có đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình”. Nhưng với quyết tâm đổi đời, không cam phận nghèo làm ảnh hưởng đến tương lai các con sau này, từ đó, ông quyết định chuyển đổi cây trồng trên mảnh vườn cằn cỗi. Ban đầu chưa biết trồng cây gì cho phù hợp với vùng đất nơi đây, nhưng tình cờ xem ti vi thấy giới thiệu về giống xoài Tứ Quý của cơ sở sản xuất giống Thạnh Sơn, ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhận thấy, đây là giống mới, lại cho năng suất và giá bán cao nên đã tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống về trồng thử.
– Với diện tích vườn tạp, ông lên liếp trồng 300 gốc xoài, sau gần 18 tháng chăm sóc, xoài đã cho trái chiếng. Do lần đầu tiên để trái nên năng suất không cao. Không vì thế mà nản lòng, ông vừa sản xuất, vừa rút kinh nghiệm, tham khảo thêm nhiều sách báo để cho trái nhiều hơn. Qua 3 năm miệt mài, ông đã thành công với giống xoài Tứ Quý và trở thành người trồng xoài giỏi nhất nơi đây, luôn được mọi người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Hiện vườn xoài lúc nào cũng cho trái sum suê, năng suất mỗi năm mỗi tăng. Điều mà ông Tâm không phải lo lắng là đầu ra rất ổn định, khi thu hoạch xong thì có thương lái đến tận vườn thu mua và vận chuyển đi Cà Mau, TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Giá xoài hiện nay đang ở mức 10.000 đ/kg, nếu vào thời điểm nghịch vụ hay lễ tết, giá có thể lên đến 14.000-15.000 đ/kg. Với 300 gốc xoài, hàng năm, gia đình ông thu hoạch trên 10 tấn trái, cho khoản lợi nhuận trên 160 triệu đồng.
– Qua nhiều năm trồng xoài, ông nhận thấy đây là loại cây rất thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Nếu so với một số loại cây ăn trái thì lợi nhuận kinh tế từ xoài Tứ Quý rất cao, vì thu hoạch được quanh năm. Bên cạnh đó, giá bán cũng cao hơn, làm cho người nông dân tăng thêm nguồn thu nhập. Từ khi gắn bó với vườn xoài đến nay, cuộc sống gia đình ngày trở nên khá giả hơn, đã có của ăn của để. Số tiền thu được từ xoài, ông Tâm tằn tiện tích góp mua thêm 1,5ha đất để trồng mía. Hiện tại, ông là thành viên CLB 200 tấn (mía có năng suất đạt 200 tấn/ha). Hàng năm, vừa cộng tiền bán mía nguyên liệu và mía hom, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về lợi nhuận trên 240 triệu đồng. Chỉ vào ngôi nhà mới xây dựng hơn 300 triệu đồng vào năm 2007, bà Lâm Thị Mịn (vợ ông Tâm) vui mừng nói: “Cũng nhờ trồng xoài đạt hiệu quả nên gia đình tôi mới có được cơ ngơi vững chắc như ngày nay”. Với những gì đã làm được, từ năm 2009 đến nay, ông Tâm được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị trấn và huyện.
– Ông Nguyễn Văn Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cây Dương, nhận định: Xoài Tứ Quý là một cây trồng mới và có triển vọng của địa phương, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con, giúp những hộ có ít đất sản xuất có thể vươn lên thoát nghèo. Trong các năm qua, người dân nơi đây đã biết cách chuyển đổi cây trồng từ vườn cây kém hiệu quả sang những cây cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao, trong đó có xoài Tứ Quý. Ưu điểm của giống xoài này là cho trái được quanh năm, thị trường đầu ra thuận lợi, giúp cho người dân có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Trước hiệu quả kinh tế mang lại, hướng tới, UBND thị trấn tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình, sẽ mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân, hướng dẫn cách sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, để nhà vườn yên tâm sản xuất. Hiện nay, diện tích vườn tạp trên địa bàn thị trấn còn nhiều, do đó, sẽ khuyến khích bà con cải tạo vườn cây kém hiệu quả, vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương../