1/ Đặc điểm nhận biết Bệnh héo xanh trên cây lạc
Bệnh chết nhát trên cây lạc còn gọi là bệnh chết ẻo làm thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng vì làm giảm mật độ cây đậu được gieo trồng. Bệnh do nhiều tác nhân: vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây bệnh héo xanh, nấm Aspergillus Niger gây bệnh héo rũ gốc mốc đen, nấm Sclerotium Rolfsii gây bệnh héo rũ gốc mốc trắng.
2/ Triệu chứng của Bệnh héo xanh trên cây lạc
Ban đầu các lá non trên phần ngọn cây héo rũ xuống khi trời nắng. Ban đêm hoặc khi trời mát cây có thể phục hồi không biểu hiện triệu chứng này. Cây con bị bệnh héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh, trên cây bệnh giai đoạn lớn hơn lá bị héo có màu xanh tái, thông thường một vài cành héo trước sau đó toàn bộ cây héo. Một số trường hợp lá non hoá nâu vẫn dính trên thân. Rễ và quả lạc bị thối đen. Bệnh hại nặng nhất vào giai đoạn lạc đâm tia, tạo quả. Đây là loại bệnh hại mạch dẫn và có tính hệ thống, tất cả mạch dẫn của thân, rễ, cành biến màu nâu sẫm, thâm đen.
3/ Tác nhân gây Bệnh héo xanh trên cây lạc
Bệnh héo xanh do vi khuẩn có tên khoa học là Pseudomonas solanacearum (Smith) Smith gây ra, còn có tên khác là Ralstoria solanacearum. Đây là loài kí sinh đa thực, rất phổ biến ở vùng nhiệt đới. Loài vi khuẩn này có nhiều chủng và nòi; chúng tồn tại trong tự nhiên trên các cây kí chủ khác nhau, do vậy nguồn bệnh lúc nào cũng có.
Vi khuẩn hình gậy, 1- 3 lông roi mọc một đầu, kích thước 0.4- 0.8x 0.5µm.
Trên môi trường khuẩn lạc có màu trắng sữa, bóng, trên môi trường TZC có điểm hồng ở giữa
Thích hợp ở nhiệt độ t = 240C, tối đa 270C, tối thiểu 180C.
Vi khuẩn này phát hiện gây hại trên 30 loại cây trồng khác nhau, thuộc loại chuyên hoá rộng.
4/ Sự phát sinh, phát triển của Bệnh héo xanh trên cây lạc
Xuất hiện gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và ở ruộng trồng ngoài sản xuất, gây hại nặng khi cây đã lớn, nhất là giai đoạn đâm tia, tạo quả. Ở giai đoạn cây con nhiễm bệnh thường làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, lá héo xanh gục xuống, cây chết xanh.
Vi khuẩn tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn xâm nhập vào rễ cây chủ yếu từ đất mang sẵn nguồn bệnh lan truyền từ nơi khác tới, có thể lan truyền qua cây giống, gió, nhờ nước, côn trùng và cả qua công cụ chăm sóc, tỉa cành.
Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc vết chích của côn trùng ở rễ, thân. Sau khi chúng xâm nhập vào cây trồng chúng tấn công vào mạch dẫn và di chuyển theo mạch dẫn làm hư bó mạch, cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo và chết. Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh trong cây trồng rất nhanh, tốc độ này phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng cây trồng, ẩm độ đất và nhiệt độ môi trường. Chúng phát triển nhanh ở ẩm độ đất cao, nhiệt độ từ 24 – 380C.
5/ Biện pháp phòng trừ Bệnh héo xanh trên cây lạc
Đây là loại bệnh rất khó phòng trị, sử dụng thuốc hoá học không có hiệu quả cao, do vậy áp dụng các biện pháp phòng trị tổng hợp có hiệu quả cao hơn.
* Biện pháp canh tác:
· Dùng giống kháng
· Luân canh cây trồng; đây là biện pháp có hiệu quả cao, có thể luân canh với cây khác hoặc luân canh với lúa nước.
· Xử lý hạt giống.
· Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh.
· Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại.
· Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón.
* Biện pháp cơ giới vật lý:
· Nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt.
· Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, lưu ý khi tưới nước, tỉa cành, thu hái. * Biện pháp hóa học:
Bệnh do vi khuẩn gây ra dùng thuốc hóa học hiệu quả không cao. Cần phát hiện sớm dùng các loại thuốc như Kasuran 50 WP, Kanamin 47 WP… có thể hạn chế được bệnh.
* Biện pháp sinh học: một số dòng vi khuẩn có khả năng hạn chế vi khuẩn Pseudomonas solanacearum phát triển.
· Bacillus mesenteriensis
· Bacillus sutilis
· Bacillus mycoides
· Erwinia oryzae
· Actinomyces californican
Các loại vi khuẩn này có nhiều trong phân chuồng./