Trộn lẫn phân vôi Địa Long với dung dịch pha chế và hột gà đem phun lên các cây ớt bị bệnh khi mát trời. Bất ngờ, chỉ sau hai lần phun, diện tích cây ớt bị nhiễm bệnh đã nhanh chóng hồi phục và phát triển tươi tốt…
Những năm gần đây, nông dân hai huyện Tam Nông và Thanh Bình (Đồng Tháp) đã phát triển diện tích ớt tại các xã nằm ven sông Tiền hơn 2.000ha. Trong đó, các xã, thị trấn ở huyện Thanh Bình đã trồng trên 1.900ha. Hiện tại bà con đang thu hoạch diện tích trồng ớt với năng suất bình quân đạt từ 35 – 40 tấn ớt trái thương phẩm/ha.
Tuy nhiên, nông dân lo lắng vì đã có nhiều ớt ở xã Tân Huề, Tân Thạnh và thị trấn Thanh Bình đang trong giai đoạn cho trái thì bị chết hàng loạt. Một số người cho biết, khi nhổ cây ớt bị bệnh chết lên thì thấy gốc bị phù nứt, thối rễ, đen thân, vàng lá và héo rũ…
Ông Nguyễn Thanh Hải, ngụ khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình trồng 10.000m2 cây ớt chỉ thiên của Cty Chánh Phong cho biết, ớt của ông đang giảm năng suất, mỗi đợt thu hái chỉ đạt từ 150 – 200kg trái.
Ông Hải bày tỏ:
“Năm nay, tình hình ớt bị ngộ độc đất nên cây bị thúi cổ rễ, vàng đọt. Tôi chăm sóc, bón phân và xử lý nhiều loại thuốc lắm nhưng cây ớt vẫn héo chết và giảm năng suất.
Những năm trước năng suất ớt tương đối cao một công đạt từ 2 – 2,5 tấn trái, năm nay cao lắm 1 công chỉ đạt khoảng 1 tấn trái trở lại mà thôi. Lợi nhuận chỉ thu khoảng 7 – 8 triệu đồng/công. Đến nay, tôi đã hái được 8 đợt ớt trái cổ nhất và đang chuyển qua hái trái cổ nhì“.
Nhờ được ông Dương Hùng Đỗ, Viện Công nghệ sinh học miền Nam hỗ trợ 50kg phân vôi Địa Long và một bình dung dịch pha chế để xử lý đất bị ngộ độc và hướng dẫn phương pháp pha chế và cách phun tưới điều trị bệnh cho cây ớt nên đến nay, các cây ớt bị bệnh đều phục hồi, phát triển tươi tốt và cho năng suất trái ổn định, chất lượng”.
Giống như ông Hải, anh Lê Đức Hảo ở xã Tân Huề canh tác hơn 5.000m2 ớt bị nhiễm bệnh lạ, xử lý nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả, cây vẫn héo rũ lá và chết. Nhờ Viện Công nghệ sinh học miền Nam hỗ trợ một bao 50kg phân vôi Địa Long và một bình dung dịch pha chế rồi hướng dẫn cách trộn lẫn phân vôi Địa Long với dung dịch pha chế và hột gà đem phun lên các cây ớt bị bệnh khi mát trời. Bất ngờ, chỉ sau hai lần phun, diện tích cây ớt bị nhiễm bệnh đã nhanh chóng hồi phục và phát triển tươi tốt, cho trái ớt bóng, đẹp.
Bên cạnh cây lúa, huyện Thanh Bình chọn cây ớt là cây trồng chủ lực để thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ diện tích trồng ớt của nông dân mở rộng mà ở các xã An Phong, Tân Thạnh, Bình Thành, thị trấn Thanh Bình… còn xuất hiện nhiều vựa, đại lý thu mua ớt trái, thuê người lặt cuống, phơi khô rồi đem bán cho những cơ sở chế biến tương ớt hay các loại sản phẩm khác, thu hút nhiều lao động ở địa phương đến lựa, lặt cuống, phơi khô.
Ớt được các chủ vựa, đại lý chở đến tận nhà người lặt cuống, khi lặt xong, chủ vựa đến cân và trả công trên 3.000đ/kg. Một người trung bình lặt cuống ớt hơn 50kg/ngày, thu nhập trên 150.000đ/ngày. Còn người phơi ớt được trả công từ 100.000 – 120.000đ/ngày tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm không nhỏ lực lượng lao động cho xã hội và làm đa dạng hóa các ngành nghề, phát triển nền kinh tế – xã hội ở địa phương.
Ông Hải, anh Hảo và nhiều người trồng ớt ở huyện Thanh Bình hiện đang đề nghị Viện Công nghệ sinh học miền Nam mở đại lý bán phân bón sinh học vôi phân Địa Long trên địa bàn huyện để người trồng ớt có điều kiện thuận lợi đến mua, vận chuyển về sử dụng./