Thông thường nhất, tai chua được biết đến là loài cây cung cấp quả, làm gia vị cho nhiều món ăn truyền thống trong bữa ăn hàng ngày của người dân.
Tai chua là cây gỗ, cao từ 15 – 16m, đường kính có thể đạt từ 30 – 50 cm, thân thẳng, thường có nhiều u lồi. Cành nhiều, nhỏ, mọc ngang và hơi rủ xuống. Tán lá tròn đều, cây có nhựa mủ vàng. Gỗ Tai chua thuộc nhóm gỗ V, có màu trắng, cứng, thớ thô, được dùng trong xây dựng, đóng đồ đạc trong gia đình. Loài cây này có phân bố rộng ở khắp các tỉnh miền núi của phía Bắc và miền Trung.
Tai chua là loài cây tiềm năng do bản chất là cây rừng nên ít bị sâu bệnh hại và không tốn công chăm sóc. Đồng thời, sản phẩm từ quả, gỗ của loài cây này có giá trị không thua kém gì so với các loại nông sản hoặc cây lâm nghiệp khác.
Hiện nay nhu cầu gây trồng tai chua lấy quả trong thực tiễn là rất lớn đặc biệt là những giống cho năng suất quả cao và nhanh thu hoạch. Đây cũng là loài cây lâm sản ngoài gỗ được Bộ NN&PTNT khuyến khích trồng.
Chính vì vậy, ThS. Đặng Quang Hưng và ThS. Nguyễn Bá Triệu, chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện một loạt các nghiên cứu về cây tai chua, điển hình nhất là kỹ thuật ghép loài cây này. Nếu tai chua trồng bằng cây ghép thì khoảng 3 năm sẽ cho quả còn nếu trồng bằng hạt thì con số này là khoảng 8 – 10 năm.
Sau đây là những hướng dẫn kỹ thuật ghép cây tai chua của Ths Đặng Quang Hưng và Ths Nguyễn Bá Triệu.
Chọn cành ghép:
Cành ghép được lấy từ những cây mẹ đạt tiêu chuẩn: Cây ra quả nhiều, chu kỳ ra quả ổn định, cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại được chăm sóc và theo dõi thường xuyên.
Cành ghép đạt tiêu chuẩn: Cành bánh tẻ và vươn ra ngoài sáng, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng đường kính gốc ghép, sinh trưởng tốt và đặc biệt là không sâu bệnh.
Cắt cành ghép: Cắt một đoạn cành ghép dài khoảng 15 – 20cm. Sau đó tỉa hết lá trên cành, chỉ để lại phần cuống lá khoảng 1 – 1,5cm. Làm như vậy để không làm ảnh hưởng đến mắt dưới cuống lá và thuận lợi trong vận chuyển.
Chọn gốc ghép:
Cây làm gốc ghép được trồng bằng hạt và chăm sóc trong vườn ươm. Cây phải được trồng trong vườn ươm trên 9 tháng, chiều cao >60cm. Sinh trưởng và phát triển tốt, không sâu bệnh
Chuẩn bị dụng cụ: kéo cắt cành, dao ghép, những đoạn dây nilon có chiều dài khoảng 50cm trước khi tiến hành thao tác ghép.
Kỹ thuật ghép:
– Cành ghép được vát nhọn 2 mặt khi vát,. Khi cắt, chú ý lựa chiều cắt vát, tránh cắt vào tay đồng thời động tác phải thật nhanh và dứt khoát để vết cắt được phẳng. Như vậy, khi áp vào gốc ghép, quá trình liền sinh sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
– Đặt cành ghép vào chỗ chẻ của gốc ghép sao cho ít nhất một dải tượng tầng của cành ghép và gốc ghép trùng khít vào nhau. Sau đó dùng dây nilon chuyên dụng buộc chặt vết ghép. Khi buộc cần chú ý;
+ Vết buộc phải chặt để cành ghép và gốc ghép được giữ chắc chắn không bị lung lay khi tưới nước hoặc khi có gió.
+ Vết ghép và cành ghép phải dùng túi nilon dài phủ kín tránh nước, không khí từ bên ngoài vào (thường dùng nilon quấn kín luôn cả cành ghép) để hạn chế sự thoát hơi nưới và nấm khuẩn từ bên ngoài.
Chăm sóc cây sau ghép:
– Thông thường sau khoảng 20 ngày thì bật chồi ở cành ghép. Trong trường hợp gốc ghép và cành ghép khoẻ thì khoảng 14-15 ngày là bật chồi.
– Còn với với những chồi mọc ra từ gốc ghép thì cần chú ý ngắt bỏ đi. Vì chồi ở gốc ghép có sức sinh trưởng rất tốt, nó sẽ hút chất dinh dưỡng và lấn át chồi ở phía trên cành ghép.
– Trong thời gian chăm sóc cây ghép, cần chú ý tưới nước, sử dụng giàn che để hạn chế ánh sáng trực xạ có thể làm ảnh hưởng đến quá trình bật chồi của cây ghép.
– Tiến hành tỉa chồi và bón phân để đảm bảo cho cây con sinh trưởng và phát triển tốt.
Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Những cây có đường kính cành ghép chỗ tiếp xúc khoảng 1,5 – 2cm, chiều cao kể từ đoạn ghép lên khoảng 20 – 25cm. Cây không sâu bệnh, sức sống tốt là có thể đem đi trồng được./