Ông Nguyễn Thành Thư (TP.Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: “Với phương pháp thủy canh hồi lưu, chủ yếu cây rau hút nước để sống và trong nước có chất dinh dưỡng. Mỗi tuần, tôi cho 1 bì dinh dưỡng (khoảng 100 ngàn đồng/bì) với 40 lít nước để vận chuyển đến các loại rau được trồng trong 1 giàn, khi nào thiếu nước thì cho thêm. Ưu điểm của phương thức này là có sản phẩm sạch, công chăm sóc hầu như tự động vì mình chỉ làm các thao tác ban đầu. Chi phí của 1 giàn thủy canh hồi lưu chỉ với giá 8 triệu đồng với 100 ô trồng rau và có thể trồng nhiều loại rau khác nhau trên 1 giàn nên rất tiện lợi”.
Theo nguyên tắc hoạt động, nước được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa trên giàn thủy canh hồi lưu sau đó lại quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn kép kín. Như vậy, nước sẽ không bị rơi ra ngoài mà đi theo đường ống để cung cấp các chất dinh dưỡng cho rau phát triển. Máy bơm được điều kiển bằng hệ thống mạch điện tử sẽ tự động bơm tưới nên trong suốt quá trình từ khi trồng rau cho đến khi thu hoạch sẽ không phải tưới cho rau.
heo ông Thư, cách trồng rau thủy canh hồi lưu rất đơn giản, mỗi ô trồng rau đều được khoan lỗ và xơ dừa được đặt trong ô để giữ chặt gốc rau. Từ đó, rễ cây có thể dễ dàng hút nước và chất dinh dưỡng trong nước để phát triển. Trồng rau theo phương thức này, không sợ về vấn đề sâu bệnh đối và thích hợp với người dân sống ở thành thị. Tuy nhiên, người trồng cần quan sát và chú ý cắt tỉa những lá bị úa hoặc loại bỏ những cây bị thối gốc tránh nấm mốc bệnh hại có thể lan truyền đến những cây khác. Tùy thuộc vào từng loại rau, người trồng lên kế hoạch thu hoạch cho hợp lý để đáp ứng đủ thực phẩm sạch trong bữa cơm gia đình.
Cách trồng thủy canh hồi lưu, không cần đất mà trồng vào xơ dừa nên rất tiện lợi. Xơ dừa thay thế đất, giữ chặt gốc cây và giúp rễ cây hấp thụ nước và chất dinh dưỡng nhanh chóng. Trong khi đó, 1 bao xơ dừa chỉ với giá 7.000 đồng thì có thể trồng được hơn 100 gốc cây. Tuy nhiên, bản thân xơ dừa có a xít nên sau khi mua về phải chú ý, trải qua thao tác ngâm vôi (từ 5-7 ngày) để trung hòa, nếu không xử lý thì cây rau không sống được”- ông Thư lưu ý./