Từ năm 2013, tỉnh Sóc Trăng triển khai Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp” do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, trong dự án này sẽ có 3.600 hầm biogas các loại được xây dựng tại các nông hộ và chăn nuôi trang trại, hiện tại đã có 1.647 công trình được lắp đặt xong và đã phát huy hiệu quả tích cực.
Trong những năm qua, Ngành Chăn nuôi Sóc Trăng phát triển khá bền vững, số lượng đàn ngày càng tăng để đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi sẽ kéo theo những rủi ro cho môi trường sinh thái nếu không xử lý tốt chất thải. Do đó xử lý chất thải đúng cách, bảo vệ tốt môi trường sẽ góp phần cho thành công trong chăn nuôi. Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến như kết hợp các phương pháp lý học, hóa học và sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả và triệt để hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ở các hộ nuôi gia cầm hoặc nuôi heo số lượng ít, công nghệ đệm lót sinh học rất thích hợp và hiệu quả trong việc phân hủy nhanh chất thải, giảm mùi hôi và hạn chế dịch bệnh trên vật nuôi. Riêng những hộ chăn nuôi gia súc lớn như trâu bò hoặc có quy mô chăn nuôi lớn, mô hình xử lý chất thải bằng hầm ủ Biogas (tức là hệ thống khí sinh học) sẽ phù hợp và đang có nhiều ưu điểm hơn, không những giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn giúp người nuôi có thêm nguồn chất đốt, phục vụ nấu nướng, giảm đáng kể chi phí sinh hoạt.
Như hộ ông Nguyễn Văn Trước ở xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, đầu năm 2015, được huyện hỗ trợ mô hình xây hầm ủ Biogas, ông yên tâm tăng đàn heo lên trên 20 con, đồng thời thu nhập của gia đình cũng tăng nhờ tiết kiệm được chi phí mua chất đốt. Ông Trước cho biết: “Trước đây tôi cũng có làm mô hình Biogas bằng túi nilong, nhưng thời gian sử dụng không được lâu dài, cao nhất chỉ khoảng một năm. Giờ được nhà nước hỗ trợ làm mô hình Biogas bằng Composite tôi thấy rất bền và lượng cung cấp ga cao hơn, chất đốt phục vụ cho nhu cầu nấu ăn trong gia đình nhiều khi xài không hết và cái lợi nữa là môi trường xung quanh nhà không bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi”.
Huyện Thạnh Trị là một trong những địa phương chăn nuôi gia súc nhiều trong tỉnh Sóc Trăng, từ khi dự án “Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp” được triển khai đã giúp huyện giải quyết bài toán khó về môi trường, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các hộ chăn nuôi. Thời gian qua, nhờ sự quản lý chặt chẽ ở các địa phương đã hạn chế rất nhiều tình trạng các hộ chăn nuôi xả thẳng chất thải ra môi trường, một số hộ sử dụng nhiều biện pháp để tận dụng nguồn chất thải này như làm phân bón hữu cơ hoặc cho cá ăn… nhưng vẫn không giải quyết kịp nguồn chất thải hằng ngày, đồng thời vẫn còn mùi hôi và vệ sinh không đảm bảo.
Hiện nay, khi có lắp đặt hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ khí sinh học, việc chăn nuôi cũng dễ dàng hơn, giúp người dân có thể sử dụng được năng lượng tái tạo từ hầm khí Biogas để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, góp phần trong xây dựng nông thôn mới và giải phóng sức lao động của phụ nữ. Ông Mã Anh Nhân, Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị, cho biết: “Từ khi huyện triển khai dự án Carbon thấp đã có 246 hộ lắp đặt. Mô hình này được bà con ứng dụng nhiều vì có hiệu quả về môi trường, cho năng lượng sạch, góp phần giảm chi phí cho sinh hoạt gia đình”.
Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp” được triển khai tại Sóc Trăng với tổng kinh phí hơn 39 tỉ 200 triệu đồng, theo đó mỗi hệ thống Biogas được lắp đặt, nông dân sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí, toàn bộ quy trình xây hầm, lắp đặt các chi tiết, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng. Tùy điều kiện nông hộ, hầm ủ Biogas được làm bằng nhiều loại chất liệu và dung tích khác nhau, nhưng hầm ủ làm bằng Composite có những ưu điểm vượt trội như: có độ bền cao và kín tuyệt đối, có thể lắp đặt ở những nơi nền móng yếu, lún; hiệu suất sinh khí của hầm cao; lắp đặt nhanh và an toàn trong sử dụng. Tùy theo số lượng gia súc nuôi của từng hộ mà có thể lựa chọn công trình có kích cỡ khác nhau:
Với công trình Biogas Composite gần 4 m³ có thể áp dụng cho hộ nuôi từ 5 – 15 con heo. Cỡ gần 7 m³ dành cho chuồng nuôi 15 – 30 con heo. Loại 9 m³ có thể áp dụng cho gia đình nuôi từ 30 – 60 con heo. Thạc sĩ Lê Văn Quang – Phó Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “ Chất liệu làm hầm ủ Biogas gồm nhiều loại, như nhựa Plastic, nhựa HDPE, KT1, KT2, Composite. Trong đó hầm Composite được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên hạn chế của mô hình là kinh phí đầu tư ban đầu hơi cao, nên nhiều hộ chưa có đủ điều kiện đầu tư cho mô hình này”.
Việc thực hiện dự án này sẽ góp phần hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn phế phẩm nông nghiệp, giảm khí thải nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn./