1. Kỹ thuật làm chuồng nuôi
Chuồng được xây dựng theo hình chữ nhật có kích thước ngang 2 m, dài 5 m, cao 0,8 m. Mặt tường bên trong chuồng nên tô láng hoặc dán gạch men để tránh Kỳ Tôm thoát ra ngoài. Với kích thước như trên có thể nuôi được 200 con Kỳ Tôm thương phẩm. Dưới nền chuồng có thể bỏ gạch ống hay rơm, ngói, tôn bể…. để làm chỗ trú ẩn cho chúng. Phía trên lớp gạch ống, ngói này có thể bỏ rơm hay lá chuối làm bãi tắm nắng cho chúng, nên xây chuồng dạng hở (nửa mát, nửa nắng) để có bãi tắm nắng cho chúng. Khi bỏ gạch vào chuồng, chú ý đặt cách thành chuồng khoảng 30 cm để kỳ tôm không bò lên và nhảy ra ngoài.
2. Chọn giống
– Muốn sinh sản được giống kỳ tôm trước hết phải biết phân biệt con đực con cái. Kỳ tôm cái đầu thon hơn, bụng to, đuôi dài; con đực màu sắc sặc sỡ hơn, phần đầu to hơn, có 2 mang xòe ra, dọc trên đầu xuống sống lưng có vây (như vây rồng), khi kiểm tra bộ phận sinh dục, ấn nhẹ gai giao cấu lồi ra.
– Chọn giống bố mẹ: Kỳ tôm nuôi được 1 năm, tiến hành chọn những con bố mẹ to khỏe, không bị dị tật, không bị bệnh, nhốt chung chuồng bình thường, tỷ lệ đực:cái là 1:2. Do đặc tính khi kỳ tôm đẻ trứng, chúng thường ăn trứng, dẫn đến tỷ lệ trứng bị hao hụt rất nhiều, thậm chí chúng ăn hết luôn. Chính vì vậy khi kỳ tôm đẻ xong ta phải thu trứng ngay.
– Kiểm tra con cái, sờ vào bụng khi nào thấy trứng to bằng đầu ngón tay út, ta bắt con cái riêng sang chuồng đẻ. Sau 15 ngày kỳ tôm bắt đầu đẻ, mỗi con đẻ từ 8 – 12 trứng/lứa, một năm đẻ 2 lứa. Lưu ý: Khi kỳ tôm đẻ xong, sau 2 giờ mới mang vào phòng ấp. Trước khi thu trứng phải đánh dấu đầu trên của trứng, khi xếp trứng đầu trên phải quay lên trên.
3. Chuẩn bị phòng ấp
– Trong phòng ấp cũng đổ cát dày 30 cm, dùng hũ đất nung cao 30 cm, đường kính miệng hũ khoảng 22 cm. Xung quanh thành hũ khoan nhiều lỗ nhỏ để thông hơi, khoảng 1 ly để cát khỏi lọt vào. Dưới đáy hũ đổ cát 10 cm, sau đó xếp trứng kỳ tôm vào rồi phủ cát kín (khoảng 2 cm), không xếp trứng sát thành quá.
– Trong miệng hũ có treo đồng hồ nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Trên miệng hũ dùng nắp hũ đậy ngược lại, chôn cả hũ xuống nền cát, sau đó tiến hành tưới nước xung quanh hũ, để giữ độ ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho trứng nở là 28 – 30 độ C, độ ẩm từ 80 – 90%. Thời gian ấp 65 ngày là trứng nở, trong thời gian ấp cần kiểm tra thường xuyên nhiệt độ trong hũ, để tưới nước hoặc quạt gió để duy trì đúng nhiệt độ nở.
4. Giá trị thương phẩm
– Từ khi nở nuôi thêm 6 tháng là xuất bán giống được. Kỳ tôm giống loại 1 kg đạt (16 – 17 con) giá bán 480.000 đồng, kỳ tôm thương phẩm (kỳ tôm trưởng thành) đạt 1,3 – 1,4 kg bán 420.000 đồng. Hiện nay anh Sơn đã phát triển 2 trang trại ở Tiền Giang và TP HCM chuyên sinh sản ếch, lươn, rắn ri voi, rắn ráo trâu, chồn hương, kỳ đà, kỳ tôm…
– Hàng năm 2 trang trại đã cung cấp hàng vạn con giống, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Song song với việc SX giống cung cấp thị trường nội địa, anh còn đẩy mạnh XK hàng thương phẩm sang Trung Quốc, đem lại lợi nhuận cho gia đình hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra còn tạo điều kiện công ăn việc làm thường xuyên cho 22 lao động; trong đó có một số sinh viên mới ra trường với mức lương từ 2,5 – 9 triệu đồng/người/tháng.
* Lưu ý: Nếu các hộ nuôi ở phía Bắc, về mùa đông cần thắp đèn điện để tăng nhiệt độ. Sau khi kỳ tôm nở được 2 ngày, tách nuôi chuồng riêng và bắt đầu cho ăn. Kỳ tôm mới nở cho ăn sâu gạo, sau 1 tháng tập cho ăn cá biển, lươn, ếch, nhái băm nhỏ.