1. Từng lao đao vì địa lan
– Trò chuyện với chúng tôi ngay tại vườn, ông Hùng nhớ về cái thuở mới bắt đầu tập trồng địa lan: “Ngày đó tôi có ông bạn ở Sài Gòn thuê đất trồng địa lan gần nhà, thấy hay và hiệu quả nên tôi cũng học hỏi làm theo bởi nghĩ rằng, mình có quỹ đất, có thể học kỹ thuật trồng và chăm sóc, tại sao không làm? Vậy là tôi quyết định dùng số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư trồng hoa”.
– Ông Hùng bắt đầu với 800 chậu địa lan giống của Úc, loại giống này do người bạn ông giới thiệu để trồng thử nghiệm. Để địa lan cho thu hoạch kéo dài tới 4 năm, trong thời gian đó, ông Hùng và gia đình không có nguồn thu khác, trong khi những gia đình xung quanh có thu nhập ổn định từ rau và các nông sản khác.
– 4 năm trôi qua, công sức bỏ ra tưởng đã đến lúc cho thành quả, nhưng toàn bộ số địa lan của ông Hùng trồng đều không cho hoa, khiến ông mất trắng vụ đầu tiên. Tham gia vào Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ông Hùng đã tìm hiểu cũng như nhờ các thành viên của hiệp hội hướng dẫn mới biết rằng giống địa lan Úc khi trồng ở Lâm Đồng sẽ không cho ra hoa bởi không phù hợp khí hậu và điều kiện tự nhiên.
– Vừa mất trắng số vốn lớn, lại bị vợ con phản ứng, nhưng với ý chí quyết tâm của mình, ông Hùng tiếp tục nghiên cứu để xây dựng được vườn lan theo ý mình và có thu nhập giúp gia đình ổn định cuộc sống.
2. Giàu lên cũng từ địa lan
– Sau thất bại đau đớn khi mới bước vào nghề, lão nông lại tiếp tục vay ngân hàng với số vốn 50 triệu đồng để gây dựng vườn địa lan. Lần này, sau khi học hỏi kinh nghiệm tại các nhà vườn khác cùng nhiều thành viên trong Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ông Hùng quyết định chọn giống địa lan từ Nhật Bản (chủ yếu là giống địa lan hoàng hậu, vàng mít, xanh cốm, xanh ngọc). “Tôi chọn những giống này bởi chúng là loại thích hợp với khí hậu tại Đà Lạt, có thể thích ứng trong nhà kính, chịu được tất cả các điều kiện ánh sáng, và đặc biệt là cho nhiều hoa, được các nhà vườn tại Đà Lạt tin trồng”, ông Hùng cho hay.
– Hiện nay, sau khi thay đổi giống địa lan mới, ông Hùng có trong tay 7.000 chậu địa lan cho hoa, cùng 8.000 chậu hoa giống. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong khi không ít nhà vườn trồng địa lan tại Đà Lạt lao đao vì hoa nở sớm, nhưng với kỹ thuật chăm sóc phù hợp, vườn địa lan của ông Hùng đã nở đúng dịp tết và cho thu nhập cao. Với giá bán mỗi cành 650.000 đồng, ông Hùng đã xuất ra thị trường trên 50 chậu địa lan, tương đương 700 cành hoa, có chậu lên tới 7 triệu đồng, thu lãi trên 500 triệu đồng. Toàn bộ hoa vụ tết bán cho thị trường Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
– Ông Lê Thanh Hùng cho biết: “Kỹ thuật trồng địa lan rất đơn giản, tùy thời tiết để tưới nước, nếu nắng thì 3 ngày tưới một lần, trời mát thì 7 ngày tưới một lần. Còn bón phân thì chủ yếu là phân tổng hợp NPK, một tháng bón một lần. Loại địa lan này trồng bằng giá thể cây Cù Lần (nhiều nơi gọi là cây dớn), là nguyên liệu dễ kiếm, giá rẻ nên chi phí thấp. Quan trọng nhất là người nông dân mỗi ngày phải dành thời gian để theo dõi tình hình phát triển và bệnh của cây để phòng, trị bệnh kịp thời”.
– Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Xuân Sơn, ông Hùng cũng đang tư vấn, giúp đỡ một số hộ dân trong thôn trồng địa lan. Sắp tới, ông Lê Thanh Hùng sẽ mở rộng gấp đôi diện tích trồng lan của gia đình, tức khoảng 9.500 m2.