Xã An Nhứt hiện có trên 1.100 hộ với gần 4.450 nhân khẩu. Khoảng 75% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Hiện nay cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện. Hệ thống điện, đường, trường học được đâu tư xây dựng khang trang. Các chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Ngược dòng thời gian trở về 15 năm trước, An Nhứt lúc đó là một xã nông nghiệp nhưng đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nông dân chủ yếu sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống chưa có sự liên kết nên năng suất thấp. Các mô hình sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún không hiệu quả. Hệ thống kênh mương nội đồng, đường nông thôn còn thô sơ. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, những năm qua, xã An Nhứt tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Với thế mạnh về sản xuất lúa, cùng với việc triển khai sản xuất lúa 3 vụ mỗi năm, xã vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Thực hiện sản xuất lúa theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng chuyển dịch nhanh, tăng tỷ lệ các giống lúa ngắn ngày, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa An Nhứt ngày càng được nâng lên. Năng suất lúa năm 2003 chỉ đạt từ 4 đến 5 tấn/ ha. Thì hiện nay với việc sản xuất các giống lúa xác nhận chất lượng cao, nông dân xã An Nhứt thu hoạch với năng suất bình quân đạt từ 6 đến 7 tấn/ha.
Cùng với sản xuất lúa, xã An Nhứt khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: mô hình trồng hoa lan, mô hình chăn nuôi bò thịt, mô hình nuôi gà an toàn sinh học…
Các lĩnh vực thương mai - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm, khuyến khích phát triển. Những nghề truyền thống như đúc đồng, làm bánh hủ tiếu, bánh hỏi được duy trì. Năm 2016, nghề làm bánh Hỏi An Nhứt được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trong 15 năm qua với sự hỗ trợ của các cấp, xã An Nhứt đã được đầu tư xây dựng 165 công trình như: đường giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã, trụ sở 04 ban ấp, trụ sở công an xã, hệ thống mương thoát nước khu dân cư, các công trình thuỷ lợi… góp phần phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương. Trong đó, về xây dựng nông thôn mới có 47 công trình đường giao thông nông thôn, 55 tuyến kênh mương thủy lợi được đầu tư, xây dựng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc với nhiều thay đổi tích cực.
Đi đôi với phát triển kinh tế, xã An Nhứt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương; xây dựng gia đình văn hóa gắn với thực hiện xây dựng "xã văn hóa nông thôn mới". Năm 2006 xã An Nhứt được công nhận đạt chuẩn Văn hóa, đến năm 2015 được công nhận đạt chuẩn "văn hóa nông thôn mới". Mức hưởng thụ văn hóa của người dân năm 2018 đạt 37,8 lần (tăng 98 % so với năm 2003). Các chính sách an sinh xã hội triển khai đầy đủ kịp thời. 15 năm qua xã đã xây mới 108 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 1 tỷ 200 triệu đồng; sửa chữa 21 căn nhà cho hộ nghèo với tổng sồ tiền trên 300 triệu đồng. Các phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được phát động và triển khai hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã được giữ vững ổn định.