Chi phí bỏ ra để đầu tư khoảng 1 ha chuối tiêu hồng chưa đến 20 triệu đồng nhưng người trồng có thể thu lãi lên đến gần 200 triệu/năm.
Năm 2013 ông Đỗ Quốc Toản, tổ dân phố Bắc Hoàng, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tìm về tận Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương... đến các nhà vườn trồng chuối để học hỏi kinh nghiệm. Ông đến Viện Nghiên cứu cây trồng nông nghiệp mua giống chuối tiêu hồng về trồng.
Theo ông Toản, chuối tiêu hồng rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc, chỉ phải đầu tư giống ban đầu, những năm tiếp theo có thể chủ động về giống. Để cây chuối ra buồng đẹp đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, trong đó việc xác định hướng ra buồng và hướng gió là cực kỳ quan trọng. Chuối là loại cây dễ chùm, ăn nông, mỗi buồng chuối trung bình nặng từ 30 - 40 kg nên cây khó chống đỡ được khi gặp gió. Do vậy, ông mua dây về buộc các cây chuối lại với nhau, tạo sự liên kết chắc chắn khi có bão, gió hoặc dùng cây để chống.
Năm 2016, trên 1,5ha đất trồng chuối tiêu hồng với 2.700 gốc chuối, ông thu được 67 tấn quả. Trong đó có 30 tấn quả thu vào dịp Tết, bán với giá 10.000/kg, còn lại ông bán giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn bán hơn 3.000 cây chuối giống, với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/cây. Trừ chi phí, còn lãi 700 triệu đồng.
Huyện Khoái Châu là vùng trồng chuối tiêu hồng lớn nhất ở tỉnh Hưng Yên, với diện tích hơn 500 ha trồng tập trung ở các xã Tứ Dân, Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Hàm Tử..., hàng năm sản lượng chuối đạt khoảng hơn 30.000 tấn, với trị giá hơn 200 tỷ đồng. Những năm gần đây, cây chuối tiêu hồng trở thành cây kinh tế chủ lực, nguồn thu nhập chính của người dân ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Là một trong những người đi tiên phong đưa cây chuối tiêu hồng về trồng tại địa phương, anh Phạm Năng Thành (ở xã Đại Tập, Khoái Châu) bắt đầu sản xuất chuối theo hướng VietGap từ cuối năm 2014. Anh đầu tư công nghệ nước tưới tự động, giàn phun mưa, tận dụng nước ở hệ thống sông và giếng khoan sâu hơn 40 mét, hệ thống này giúp giảm lượng phân bón, giảm công lao động mà hiệu quả lại cao. Trung bình 3 đến 4 ngày hệ thống tưới nước tự động lại được bật lên một lần. Đầu năm 2015, anh được cấp giấy chứng nhận sản xuất 30 ha trồng chuối theo hướng VietGap, với 1.500 tấn chuối/năm.
Cũng theo anh Thành, hầu hết kỹ thuật trồng chuối hiện nay đều áp dụng giống cây nuôi mô, giống được sản xuất, nhân giống hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Sử dụng phương pháp này sẽ chủ động hoàn toàn trong công tác thu hoạch, tránh rủi ro. Quan trọng nhất để chuối có thể xuất khẩu được là phải tránh côn trùng hút chích nhựa từ quả non, tránh sương muối làm thâm vỏ, đảm bảo chuối thương phẩm màu sắc tươi sáng tự nhiên.
Hiện nay, anh Thành đã đăng ký hộ kinh doanh cá thể, thành lập Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (thương hiệu 3T, Khoái Châu, Hưng Yên) mỗi ngày xuất khoảng 20 tấn chuối trực tiếp xuất đi các nước Nga, Malaysia, Hàn Quốc, các khối nước Arập...
Trồng chuối tiêu hồng đang là một hướng đi phát huy hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân.