Rừng ngập mặn Cần Giờ rộng mênh mông, với diện tích gần 76.000ha, trong đó vùng lõi hơn 4.700ha, vùng đệm 41.000ha và vùng chuyển tiếp gần 30.000ha. Rừng ngập mặn nơi đây bao gồm các loài cây ngập mặn sống cùng với các loại cây khác như: sú, vẹt, đước, ô rô, chà là... tạo thành một tập đoàn. Tập đoàn có cây mắm, cây đước được gọi là cây tiên phong đi trước, khi đất bùn được cố định, nước nhạt dần, cây sú, cây vẹt và các loại cây khác theo nước phát triển sau cùng lấn biển. Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, hiện nay rừng ngập mặn Cần Giờ đang là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm. Đơn cử như: cóc đỏ, rái cá, mèo cá... Diện tích rừng vào năm 2010 hơn 30.000ha nhưng nay đã lên 32.000ha.
Với hệ động, thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng, rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, là lá phổi xanh điều hòa thời tiết cho TP. Hồ Chí Minh. Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác. Được biết, rừng ngập mặn Cần Giờ có 157 loài thực vật thuộc 76 họ, trong đó có 35 loài cây rừng ngập mặn thuộc 36 chi, 24 họ. Khu hệ động vật không xương sống, thủy sinh có 70 loài thuộc 44 họ; khu hệ cá có 137 loài thuộc 39 họ; khu hệ chim có 130 loài, 47 họ, 17 bộ; khu hệ thú có 19 loài, 13 họ, 7 bộ; khu hệ lưỡng thê, bò sát có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát.
Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được TP. Hồ Chí Minh quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách với sự hoàn thiện về hệ thống cầu, đường bộ, kênh mương, lối đi trong rừng.