Cuối tuần qua, Tập đoàn Lộc Trời cùng Sở NN-PTNT, HTX nông nghiệp, dịch vụ An Nhứt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kí biên bản ghi nhớ về việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời sẽ thu mua sản phẩm lúa của HTX Nông nghiệp, dịch vụ An Nhứt trong 3 năm, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2020-2021 đến hết năm 2023. Tập đoàn Lộc Trời cam kết cung ứng các dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV) bảo đảm chất lượng, đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật tham gia nhân sự quản lý vào các HTX; trực tiếp xuống các HTX hướng dẫn giúp nông dân sản xuất.
Việc Tập đoàn Lộc Trời ký kết thu mua lúa đã mở ra cơ hội phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đem lại lợi ích lâu dài cho người nông dân. Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ An Nhứt, việc liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm với DN sẽ giúp bà con nông dân chấm dứt sự phụ thuộc vào thị trường, thương lái, tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Khi có đầu ra ổn định, nông dân sẽ yên tâm sản xuất, tập trung vào đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm.
CẦN RÀNG BUỘT CHẶT CHẼ
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thời gian qua, việc liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ở tình trạng lỏng lẻo. Điều này dẫn tới việc xảy ra tình trạng “bẻ kèo” giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay phân tán. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung. Trong khi đó, các DN chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt, tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến thường xuyên xảy ra.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để DN, HTX đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất. Cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó, làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.