Bí quyết nuôi dạy trẻ trở nên tài giỏi
12/07/2016
Không ai có đủ kiên nhẫn để giải thích tất cả câu hỏi của trẻ. Nhưng cuốn sách “Trở nên tài giỏi: Khoa học chỉ ra cách để nuôi dạy trẻ trở nên tài giỏi” có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của việc trả lời những câu hỏi đó.

“Vì sao đèn giao thông lại có 3 màu: đỏ, vàng và xanh?”. Khi một đứa trẻ hỏi câu đó, bạn có nhiều cách trả lời, có thể qua loa “Đơn giản vì như thế” hay giải thích cụ thể “Màu đỏ là tín hiệu dừng xe, màu xanh là tín hiệu cho phép đi”. Hoặc bạn đặt câu hỏi đó cho con và khuyến khích bé tự tìm ra câu trả lời của riêng mình.

Không có cha mẹ, giáo viên hay người chăm trẻ nào có đủ thời gian và kiên nhẫn để giải thích tất cả câu hỏi của trẻ. Cuốn sách “Trở nên tài giỏi: Khoa học chỉ ra cách để nuôi dạy trẻ trở nên tài giỏi” có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của việc trả lời những câu hỏi đó.

Kathy Hirsh-Pasek, đồng tác giả cuốn sách, so sánh việc này với biến đổi khí hậu. “Những gì chúng ta làm với một trẻ nhỏ ngày nay sẽ tác động đến 20 năm sau. Nếu bạn không làm đúng, bạn sẽ tạo ra một môi trường không sống được. Và đó là một cuộc khủng hoảng”, bà nói.

Hirsh-Pasek là giáo sư tại Đại học Temple, thành viên cao cấp tại Học viện Brookings và là nhà tâm lý học phát triển phân biệt với hàng chục năm kinh nghiệm. Đồng tác giá cuốn sách là Roberta Golinkoff, làm việc lại Đại học Delaware. Trong cuốn sách, hai tác giả đưa ra cách nhìn mới dựa trên khoa học về nghiên cứu và phát triển để giúp các bậc cha mẹ có kiến thức bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho con cái mình nhằm đạt thành công sau này.

Cuốn sách “Trở nên tài giỏi: Khoa học chỉ ra cách để nuôi dạy trẻ trở nên tài giỏi”.

Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn cuộc phỏng vấn với hai tác giả, được NPR đăng tải ngày 5/7.

Chúng ta đang dạy trẻ một như một cái máy tính, trái ngược với tự nhiên. Máy tính thì luôn cho kết quả chính xác hơn con người. Nhưng những gì máy tính làm ra không giúp cho xã hội, các mối quan hệ cộng đồng tốt hơn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi toàn bộ định nghĩa về thành công trong và ngoài trường học.

Sáu chữ C

Trong cuốn sách, hai tác giả đưa ra một định nghĩa mới gọi là phiếu thành tích học tập trong thế kỷ 21. Nó bao gồm sáu chữ C: Hợp tác (collaboration), giao tiếp (communication), nội dung (content), tư duy phản biện (critical thinking), đổi mới sáng tạo (creative innovation) và tự tin (confidence).

Điều đầu tiên, cơ bản và cốt lõi nhất là sự hợp tác. Hợp tác là tất cả, từ việc kết hợp các kỹ năng để kiểm soát những cơn bốc đồng của bạn, giúp bạn có thể vượt qua nó và không gây sự với người khác. Nó tạo nên một cộng đồng, trải nghiệm sự đa dạng và văn hóa. Tất cả mọi thứ chúng ta làm, ở trường hay ở nhà phải được xây dựng trên nền tảng đó.

Tiếp theo là giao tiếp. Điều này bao gồm nói, viết, đọc và tất cả những kỹ năng lắng nghe.

Nội dung được xây dựng trên giao tiếp. Bạn không thể học được bất kỳ cái gì nếu không hiểu được ngôn ngữ hoặc biết đọc.

Tư duy phản biện dựa trên nội dung, bởi vì bạn không thể phân tích được thông tin nếu bạn không có gì để phân tích.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải biết gì đó. Bạn không thể là một con khỉ chỉ ném sơn vào khung hình. Đó là quy luật 10.000 giờ: Bạn cần biết rõ một cái gì đó trước khi làm một điều gì mới.

Và cuối cùng, sự tự tin: Bạn cần phải tự tin để chấp nhận rủi ro. Không có doanh nhân hay người tiên phong trong khoa học nào mà chưa từng thất bại. Và nếu chúng ta không để cho trẻ thoải mái đón nhận rủi ro, chúng sẽ không thành công.

Bốn cấp độ của sự phát triển

Số lượng thông tin tăng gấp đôi cứ sau 2 năm rưỡi. Chúng ta phải tìm ra cách để lựa chọn và tổng hợp thông tin mình cần.

Ở cấp độ 1, chúng ta gọi là “tai nghe không bằng mắt thấy”. Nếu ai đó nói với bạn rằng cá sấu sống trong cống rãnh ở thành phố New York, bạn sẽ kiểm chứng thông tin đó.

Ở cấp độ 2, bạn thấy rằng sự thật không như vậy, có nhiều quan điểm. Bạn được học rằng Columbus đã phát hiện ra châu Mỹ và sau đó biết được thông tin khác, cụ thể là người Mỹ bản địa đã sống ở đó từ trước. Đây là lúc tư duy phản biện bắt đầu.

Ở cấp độ 3, chúng ta có nhiều ý kiến về một vấn đề. Tất cả chúng ta hay dùng cụm từ “họ nói rằng”. Điều đó đẩy bạn vào rắc rối vì nó hầu như không đưa ra được bằng chứng hay xác nhận khoa học nào cả.

Ở cấp độ 4, chúng ta nói về bằng chứng, sự hiểu biết, sự phức tạp trong nghi vấn. Chúng ta sẽ thấy khoảng trống và lỗ hổng ở trong những lý luận. Tư duy phản biện dẫn đến những đột phá trong mọi lĩnh vực.

Khả năng suy nghĩ của trẻ nhỏ là rất quan trọng để đưa đến tư duy phản biện. Ảnh:NPR

Trau dồi những kỹ năng

Nếu bạn muốn đứa trẻ có tư duy phản biện, đừng thờ ơ khi chúng đặt câu hỏi. Đừng trả lời qua loa. Bạn nên khuyến khích trẻ hỏi thêm. Và bạn cần để trẻ hiểu được cách người khác suy nghĩ.

Nếu nhìn thấy một người vô gia cư trên phố, bạn có biết người đó đang nghĩ gì? Bạn có biết người đó cảm thấy ra sao khi không có chỗ ở? Hiểu được cách nhìn của người khác sẽ giúp trẻ nhận ra rằng mọi thứ không luôn đúng như chúng thể hiện bên ngoài. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được tư duy phản biện. Khả năng suy nghĩ của trẻ nhỏ rất quan trọng để đưa đến tư duy phản biện.

Ngoài ra, học không chỉ dừng lại ở việc đi học ở trường. Nếu bạn biết được con đã được hoặc không được học những gì trong trường, bạn sẽ biết phải bổ sung kiến thức và kinh nghiệm gì cho trẻ bên ngoài.

Chúng ta đặc biệt cần quan tâm đến sự tự tin. Ở trường, trẻ được khuyến khích tìm ra câu trả lời đúng. Nhưng chúng ta nên cho phép trẻ giải quyết vấn đề theo nhiều cách. Ví dụ, khi bạn nói với trẻ: “Con có thể nghĩ ra nhiều cách khác nhau để dọn giường”, trẻ sẽ trả lời: “Con có nhiều ý tưởng hay lắm. Con có thể sáng tạo thêm. Và con có thể cho mọi người thấy con tự tin”. Kết quả là giường của trẻ được dọn và trẻ học được bài học về sự tự tin mà không tốn gì cả.


Số lượt đọc: 3940 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác