Nhiễm khuẩn răng miệng là một vấn đề khá thường gặp. Nó không chỉ là bệnh lý của răng mà còn nhiều bệnh lý khác liên quan đến phần mềm như viêm quanh răng, viêm nướu (lợi), ổ áp-xe...
Nhiễm khuẩn răng miệng là một vấn đề khá thường gặp. Nó không chỉ là bệnh lý của răng mà còn nhiều bệnh lý khác liên quan đến phần mềm như viêm quanh răng, viêm nướu (lợi), ổ áp-xe... Vậy dùng thuốc nào, lựa chọn kháng sinh hoặc phối hợp ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào dạng bệnh nhiễm khuẩn, loại vi khuẩn gây bệnh.
Tác hại của nhiễm khuẩn răng miệng
Trong các vấn đề của nhiễm khuẩn răng miệng thì viêm nướu (lợi) chiếm phần lớn và yếu tố góp phần phổ biến nhất là vệ sinh răng miệng không đúng cách. Nguyên nhân gây viêm lợi chủ yếu là do mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Khi các mảng bám không được thường xuyên làm sạch, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và sản sinh tại đó các enzym có khả năng phá hủy sự liên kết của các biểu mô (nối lợi và răng) và gây ra viêm lợi. Nếu lợi đã bị viêm mà không chữa trị và chăm sóc răng miệng đúng cách, lớp lợi bên trong và xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm khuẩn quanh răng, tạo thành ổ áp-xe. Khi lợi bị viêm sưng đỏ, chảy máu gây đau nhức, sưng má, răng miệng có mùi hôi khó chịu. Nếu viêm lâu ngày, lợi sẽ bị tụt xuống làm chân răng lộ ra, trông rất xấu. Bệnh càng trầm trọng, những lỗ hổng này càng sâu, lợi và xương hàm bị phá hủy càng nặng, răng không còn chỗ bám nữa sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng rụng ra.
Viêm nhiễm vùng răng miệng và sức khỏe răng miệng kém nói chung cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc bệnh phổi. Phụ nữ có thai có thể có nhiều khả năng sinh non hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh thấp hơn là phụ nữ với nướu răng khỏe mạnh. Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị bệnh nướu răng và các nhiễm khuẩn khác. Ngược lại, nhiễm khuẩn ở miệng khiến khó kiểm soát nồng độ đường máu hơn. Khi bị viêm lợi nặng và có vấn đề về phổi, hít vi khuẩn từ miệng vào trong phổi có thể dẫn đến viêm phổi.
Loại kháng sinh nào điều trị nhiễm khuẩn răng miệng?
Việc chọn kháng sinh trị nhiễm khuẩn răng miệng cần căn cứ vào các loại vi khuẩn gây bệnh để lựa chọn kháng sinh.
Amoxicillin và phenoxymethylpenicillin là hai kháng sinh thuộc nhóm beta lactam, được lựa chọn nhiều trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng, do những ưu điểm của nó như: tương đối an toàn, ít có tác dụng phụ. Hai kháng sinh này rất hiệu quả khi được dùng tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu, liên cầu.
Các kháng sinh spiramycin, erythromycin, doxycycline đều có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn cư trú ở vùng răng miệng và hầu họng như: các vi khuẩn gram (+) và các vi khuẩn tụ cầu liên cầu. Các thuốc này có tác dụng điều trị và dự phòng các bệnh răng miệng.
Doxycycline là một kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin có sức mạnh tiêu diệt được cả vi khuẩn gram (-) và gram (+). Thuốc rất nhạy cảm với vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn đường ruột nên khá hữu dụng để điều trị bệnh nhiễm trùng răng miệng. Doxycycline có ưu điểm đặc biệt hơn các thuốc trong nhóm tetracyclin là khá an toàn và không gây nhiễm độc gan mạnh cho người dùng. Doxycycline cũng là kháng sinh được lựa chọn thay thế trong trường hợp người dùng thuốc bị dị ứng với amoxicillin. Điều lưu ý rất quan trọng khi dùng doxycycline là thuốc gây hỏng men răng ở những răng non, do đó không dùng cho trẻ em. Trường hợp nếu người bệnh có nguy cơ dị ứng cao và bị dị ứng với các kháng sinh dòng beta lactam thì chúng ta có thể dùng kháng sinh dòng doxycycline.
Kháng sinh spiramycin và erythromycin là giải pháp lựa chọn thay thế sau các loại kháng sinh trên. Do hai loại kháng sinh này dễ gây các tác dụng phụ trên tiêu hóa nên người hay bị đầy bụng, khó tiêu cũng không nên dùng kháng sinh này vì chúng gây trướng bụng rất khó chịu. Nếu người bệnh là người hay bị kích ứng dạ dày, hay buồn nôn cũng không nên dùng vì erythromycin có thể gây buồn nôn. Người bệnh đang bị chứng tiền đình, người cao tuổi, người có vấn đề về thận cũng không nên dùng erythromycin.
Một loại kháng sinh khác cũng tỏ ra hiệu quả trong điều trị các bệnh viêm răng miệng là metronidazol. Đây là kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn đường ruột và vi khuẩn kỵ khí đặc biệt mạnh. Metronidazol thường được phối hợp với spiramycin thành một loại thuốc đặc trị viêm vùng răng miệng.
Lưu ý khi dùng thuốc
Trước khi dùng kháng sinh cần kiểm tra tình trạng nhiễm trùng răng miệng tại chỗ của người bệnh. Nếu như ổ nhiễm khuẩn có màng bao phủ, có mủ, có bọc thì tốt nhất bạn nên làm là chích ổ mủ đó ra và dẫn lưu chảy ra ngoài. Làm được điều này là bạn đã trực tiếp thải bỏ một lượng vô cùng lớn vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tại chỗ. Sau đó chỉ cần dùng một đợt kháng sinh ngắn ngày là có thể lành bệnh. Dùng kháng sinh phải dùng đúng liều lượng, đủ liều, đồng thời cần lưu ý: Sau khi uống kháng sinh được quá nửa liệu trình mà thấy bệnh không tiến triển, răng vẫn đau không thuyên giảm, miệng lưỡi vẫn loét không liền, nướu răng sưng lên thì cần đến bác sĩ khám lại, để được điều chỉnh thuốc và liều dùng cho phù hợp.
Trong quá trình dùng kháng sinh điều trị viêm răng miệng, có thể dùng kèm các thuốc súc miệng để làm sạch vùng miệng. Thuốc thường có các chất sát khuẩn (acid boric, kẽm sulfat, menthol, fluor), pha chế dưới dạng dung dịch, dùng theo hướng dẫn sử dụng.
- THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VI: Phát triển hệ thống giao thông kết nối (16/01/2017)
- Bàn giao Bảo tàng điện tử 3D cho huyện Côn Đảo (16/01/2017)
- 11 cây trồng trong nhà mang lại tài lộc và sức khỏe (12/01/2017)
- Cẩn trọng với sản phẩm, dịch vụ làm đẹp cấp tốc (12/01/2017)
- Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong dịp Tết (12/01/2017)
- Cuối năm coi chừng "bà hỏa"!. (12/01/2017)
- Hội Hoa xuân Đinh Dậu 2017: Hương sắc làng quê giữa lòng phố biển. (10/01/2017)
- Dịch vụ vệ sinh công nghiệp dịp Tết: Vào mùa làm ăn (10/01/2017)
- Gầy dựng văn hóa đọc từ tuổi thơ. (23/11/2016)
- KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM: Lan tỏa những tấm lòng nhân ái. (23/11/2016)