Phản ứng của dân chơi "tiền ảo" sau lệnh cấm.
31/10/2017
Ngày 28-10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo. Theo đó, việc phát hành bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam, vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Cơ sở nha khoa trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP. Vũng Tàu) từng treo biển quảng cáo chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.

Theo “lệnh cấm” của NHNN, đồng nghĩa với các vi phạm về sử dụng “tiền ảo” làm phương tiện thanh toán sẽ được xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Cụ thể, hành vi sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2018, hành vi sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự làm phương tiện thanh toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Lệnh cấm” từ phía NHNN là một bước đi mới trong điều chỉnh hoạt động thanh toán bằng tiền ảo, đã có dấu hiệu phát triển rộng trong thời gian gần đây. Nhất là khi, có trường đại học danh tiếng trong nước đánh tiếng sẽ chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán. 

Tại BR-VT, một số điểm kinh doanh mà chủ cửa hàng có chơi và hiểu biết về “tiền ảo” đã chấp nhận thanh toán bitcoin. Thậm chí, một cơ sở nha khoa trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Vũng Tàu từng chấp nhận bitcoin như một phương tiện thanh toán khi người dân khám, chữa bệnh tại đây.

Ông L.A.T, chủ cơ sở nha khoa nói trên cho biết: “Sau khi có lệnh “cấm” của NHNN, chúng tôi không còn chấp nhận thanh toán bằng bitcoin”. Tuy nhiên ông L.A.T cho rằng, lệnh cấm của NHNN chỉ giới hạn hình thức thanh toán trực tiếp. Thực tế, người sở hữu bitcoin cũng như các đồng tiền ảo có giá trị khác vẫn có thể thanh toán, chỉ khác là phải bán bitcoin lấy tiền mặt.

Hệ thống máy tính đào bitcoin

Là một người chơi bitcoin, anh N.V.T (nhà ở đường Tiền Cảng, TP.Vũng Tàu) cho biết: Sau 1 năm tham gia chơi bitcoin, với số tiền đầu tư ban đầu là 15 triệu đồng, hiện nay, tài sản sở hữu của anh N.V.T tính trên giá trị của bitcoin đã tăng lên hàng chục lần. Cách đây vài năm, giá trị của bitcoin chỉ dừng lại là hơn 10 triệu đồng/1 bitcoin, thế nhưng hiện nay, khi cộng đồng bitcoin ngày càng mở rộng thì giá trị của nó tăng lên gấp hàng chục lần. Đỉnh điểm là trong tháng 10-2017, đồng bitcoin được giao dịch lên tới 6.000 USD/bitcoin. 

Anh N.V.T tiết lộ, chơi bitcoin cũng có luật chơi không khác gì chơi chứng khoán. Khi cộng đồng chơi bitcoin càng nhiều thì đồng tiền này càng khó kiếm và giá của nó sẽ tăng lên. Anh N.V.T cho biết thêm, hiện nay, cộng đồng tham gia giao dịch mua bán tiền ảo rất đông. Ngoài bitcoin còn có các tiền ảo giá trị khác như Ethereum, Litecoin, Monero, Ripple... Tại Việt Nam và tại BR-VT nói riêng, Ethereum đang là đồng tiền ảo được săn đón và giao dịch khá nhiều sau bitcoin. “Trong mấy năm giao dịch tiền ảo, tôi nhận thấy niềm tin của dân chơi về tương lai tiền ảo ngày một tăng. Bất chấp rủi ro cao, nhiều người đã đầu tư lớn vào thế giới tiền ảo với hi vọng kiếm lời nhiều. Sau lệnh cấm của NHNN, nhiều người đã cân nhắc hơn về đầu tư tiền ảo. Bản thân tôi cũng vừa từ chối tham gia vụ hùn hạp lớn với bạn bè để mua bitcoin”, anh N.V.T nói.

Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: “Theo quy định của NHNN việc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ chấp nhận bitcoin như một phương tiện thanh toán là sai với quy định. Chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh BR-VT khuyến cáo người dân không nên tham gia giao dịch tiền ảo trên mạng, vì việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”.

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Bitcoin có cách hoạt động khác hẳn so với các loại tiền tệ điển hình: Không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên Internet. Sự cung ứng bitcoin là tự động, hạn chế, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán, tạm hiểu như một “tài nguyên của mạng, càng đào càng hiếm”. Ngoài việc đào bitcoin, người dùng có thể có bitcoin bằng cách trao đổi, mua bán.

Đến tháng 10 năm 2017, lượng tiền cơ sở của bitcoin được định giá hơn 100 tỷ USD - là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất. Những biến động lớn trong giá trị của mỗi bitcoin đã tạo nên những lời chỉ trích về tính phù hợp kinh tế của bitcoin như là một loại tiền tệ.

 


Số lượt đọc: 2359 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác