Bệnh cườm nước (Glaucoma) là bệnh khá phổ biến, diễn tiến âm thầm, gây nguy cơ mù lòa đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới sau bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bệnh viện (BV) Mắt tỉnh, nhiều người dân vẫn còn chủ quan với việc khám và phát hiện sớm, không tuân thủ điều trị bệnh này khiến người bệnh mất thị lực không thể phục hồi.
Phẫu thuật mắt cho bệnh nhân bị bệnh cườm nước tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Bệnh Glaucoma là một nhóm bệnh làm tổn hại thần kinh thị giác. Tùy theo dạng bệnh mà Glaucoma có biểu hiện khác nhau, nhưng phần lớn thường xuất hiện, diễn tiến một cách thầm lặng, với những dấu hiệu ban đầu rất nhỏ và không xuất hiện thường xuyên như: thị lực giảm từ từ, giảm thị lực khi vào nơi thiếu ánh sáng, xuất hiện những cơn đau đầu, cảm giác nặng mắt khi làm việc nặng… Do đó, người bệnh thường dễ bỏ qua các dấu hiệu bệnh mà không đi kiểm tra, thăm khám mắt. Chỉ đến khi thấy thị lực giảm nhiều hoặc không nhìn thấy gì thì người bệnh mới đi khám.
Khảo sát của BV Mắt tỉnh cho thấy, trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh về mắt mà BV tiếp nhận thì có khoảng 5 - 7% bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma. Điều đáng nói là phần lớn bệnh nhân đến khám khi bệnh đã chuyển sang mức độ nặng, thị lực đã giảm sút nhiều. Chị Trần Thị Phương Yến (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) là một trong số đó. Ở tuổi 45, thị lực của chị đã có nhiều dấu hiệu suy yếu nhưng chị chưa từng đi kiểm tra hay khám mắt định kỳ. Cho đến khi xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, mắt nhìn mọi vật đều mờ và thấy ánh sáng đèn thành nhiều dải màu sắc, chị Yến mới đến BV Mắt tỉnh để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh Glaucoma, đã chuyển sang giai đoạn nặng và phải phẫu thuật. Sau đợt điều trị tại BV Mắt, tuy không còn đau đầu, nhìn rõ hơn nhưng thị lực của chị vẫn không thể phục hồi như ban đầu.
Trường hợp của bà Trần Thị Hạc (73 tuổi, ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành) do không tuân thủ điều trị nên bệnh Glaucoma của bà đã chuyển giai đoạn nặng, mắt trái đã bị mù hoàn toàn. Bà Hạc cho hay, cách đây 2 năm, bà đã đi khám mắt và phát hiện mình bị bệnh Glaucoma. Lần điều trị đầu tiên, mắt bà tiến triển tốt nhưng sau đó, do hoàn cảnh neo người, nhà ở xa BV nên bà ngưng điều trị. Khi mắt trái đã mù, mắt phải nhìn kém, bà mới đến BV Mắt để điều trị lại thì đã quá muộn. Bác sĩ điều trị cho biết, mắt bà Hạc dù có phẫu thuật cũng không thể phục hồi được nữa.
Bên cạnh đó, một số trường hợp bị Glaucoma có nguyên nhân từ việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Trên thị trường có các loại thuốc nhỏ mắt điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc… có chứa corticoid, nếu bệnh nhân tự ý mua sử dụng mà không theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến bệnh Glaucoma.
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt tỉnh khuyến cáo, các bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma hoặc nghi ngờ mắc Glaucoma cần đi khám sớm, tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Nếu không điều trị, thần kinh thị giác sẽ bị hư hại nặng nề dẫn đến tình trạng mù không thể phục hồi. Để phòng tránh, phát hiện và điều trị sớm bệnh Glaucoma, mọi người nên đi khám mắt định kỳ, nhất là với người từ độ tuổi trung niên trở lên…
- KFC, iPhone bị tẩy chay ở Trung Quốc sau phán quyết 'đường lưỡi bò' (19/07/2016)
- Học sinh Việt giành giải 'Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất' Olympic Vật lý quốc tế (18/07/2016)
- Bí quyết nuôi dạy trẻ trở nên tài giỏi (12/07/2016)
- iPhone 7 lộ mặt lưng với thiết kế ăng-ten ẩn (12/07/2016)
- Phát hiện bệnh viện trao nhầm con sau lần gặp đứa trẻ ở làng bên (12/07/2016)
- THỰC HIỆN LỘ TRÌNH SỐ HÓA TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT: Người dân sẽ xem truyền hình như thế nào? (12/07/2016)
- Hội thi kể chuyện sách thiếu nhi năm 2016. (16/06/2016)
- "Ma trận" bán hàng đa cấp. (16/06/2016)
- 7 loại cây rau củ rất độc hại trong vườn nhà (16/06/2016)
- Huyện Tân Thành: Nông dân hào hứng đi học nghề. (13/06/2016)