Các ý tưởng công nghệ tại hội thi "Tin học trẻ" toàn quốc: Đánh thức đam mê sáng tạo
13/08/2018

Hội thi “Tin học trẻ” toàn quốc năm 2018 do Trung ương Đoàn, Bộ KH-CN, Bộ TT-TT, Bộ GD-ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu (từ ngày 8 đến 10-8) đã khép lại. Một hội thi ghi dấu niềm đam mê, khả năng sáng tạo, ứng dụng trong từng ý tưởng.

Thí sinh tham gia phần thi sáng tạo tại Hội thi “Tin học trẻ” toàn quốc năm 2018.

NHIỀU Ý TƯỞNG CÓ THỂ ÁP DỤNG VÀO THỰC TIỄN

Với mong muốn tìm giải pháp phơi cà phê nhanh khô, an toàn, thân thiện với môi trường và giảm tối thiểu sức lao động của con người, nhóm HS Nguyễn Anh Hào và Nguyễn Thành Long (trường THCS Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mang đến hội thi dự án hệ thống phơi cà phê thông minh.

Nguyễn Anh Hào kể, ban đầu, Hào và Long chỉ lên mạng tìm kiếm một số phụ kiện như cảm biến đo độ ẩm, cảm biến mưa…, thiết kế hệ thống sử dụng cảm biến mưa để xử lý tự động kéo các mái che. Khi trời mưa, hệ thống sẽ tự động kéo mái che phía trên để cà phê không ướt. Tuy nhiên, thử nghiệm cho thấy cà phê vẫn ướt do việc kéo mái che mất một khoảng thời gian nhất định và mưa vẫn tạt vào sân, Hào và Long tiếp tục sử dụng thêm cảm biến độ ẩm trong không khí để dự báo mưa. Chỉ cần độ ẩm trong không khí cao, hệ thống sẽ tự động kéo mái che lại trước khi trời mưa, đồng thời lắp các mái che xung quanh sân để ngăn mưa tạt vào. Giải pháp này đã xử lý triệt để, tránh mưa hoàn toàn cho sân phơi. Khi trời không mưa hoặc độ ẩm không khí thấp, hệ thống tự động kéo mái che lại.

Không dừng lại ở đó, Hào và Long lại tiếp tục ứng dụng giải pháp sấy cà phê tự động khi trời mưa. Khi độ ẩm không khí trên 90%, cảm biến độ ẩm hoạt động kích hoạt bộ phận đảo cà phê và các máy quạt ở góc sân để sấy cà phê. Hệ thống phơi cà phê thông minh là sự kết hợp giữa mái che, đảo cà phê, làm thông không khí từng bộ phận hay kết hợp cùng hoạt động theo cài đặt tự động hoặc chủ động điều khiển qua điện thoại.

Còn nhóm thí sinh Nguyễn Cao Trí, Trương Nhật Tân (trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) mang đến hội thi sản phẩm “Hệ thống điều khiển giao thông đường sắt và hỗn hợp với công nghệ IoT”. Ý nghĩa thực tiễn thật to lớn của dự án lại được thiết kế hết sức đơn giản từ những que kem, bộ đồ chơi của trẻ con... Với không gian thu nhỏ của hệ thống đường sắt, nhà xe cùng nhiều loại cảm biến (cảm biến âm thanh, ánh sáng…) các em đã sáng tạo ra sản phẩm để phục vụ việc quản lý hệ thống đường sắt. Hệ thống này thu thập thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết… cung cấp cho các lái tàu để lựa chọn giải pháp kiểm soát phù hợp.

KẾT NỐI ĐAM MÊ TIN HỌC

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995, qua 23 lần tổ chức, Hội thi “Tin học trẻ” toàn quốc do Trung ương Đoàn Bộ KH-CN, Bộ TT-TT, Bộ GD-ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam phối hợp thực hiện đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các bạn trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc. Qua hội thi, các tài năng tin học trẻ đã được phát hiện, đồng thời hình thành phong trào thanh thiếu nhi cả nước học tập, làm chủ công nghệ thông tin, góp phần thiết thực phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho nước nhà.

Năm nay, tỉnh BR-VT có 10 thí sinh tham gia ở 4 bảng. Theo anh Lê Anh Quỳnh, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh, để chuẩn bị tốt cho hội thi, cả GV và HS trong đội tuyển đã tích cực ôn luyện và trau dồi các kỹ năng, thao tác cần thiết để giành thành tích cao. Ý tưởng nổi bật của đoàn BR-VT là phần mềm “IBOT - ROBOT quản lý nhà ở” của nhóm thí sinh Cao Thọ Hoàng Long và Phạm Quỳnh Như (trường THCS Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ). Các thành viên trong nhóm đã mất hơn 1 năm để nghiên cứu, tìm kiếm các thiết bị và tiến hành lắp ráp, cài đặt, viết lệnh điều khiển phần mềm “IBOT - ROBOT quản lý nhà ở”. Thiết bị này cho phép người dùng tương tác trực tiếp với robot qua màn hình cảm ứng trên smartphone, robot sẽ tự chuyển động và điều khiển bật, tắt các thiết bị điện. Ngoài ra, thiết bị còn có thể giúp phát hiện hỏa hoạn hoặc rò rỉ khí gas và thông báo đến chủ nhà qua tin nhắn SMS. Kết quả, phần mềm “IBOT – ROBOT quản lý nhà ở” của các em đạt giải Nhì bảng D.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn, Trưởng Ban tổ chức Hội thi “Tin học trẻ” toàn quốc năm 2018, các ý tưởng sáng tạo công nghệ tại hội thi đã đón đầu công nghệ, khẳng định khả năng sáng tạo cũng như khả năng ứng dụng cao trong thực tế. Đây thực sự là sân chơi giúp các bạn trẻ có được những cơ hội để khám phá và chinh phục những kiến thức mới của tin học phục vụ cho cuộc sống, góp phần phát triển nguồn nhân lực trẻ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Số lượt đọc: 2639 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác