Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Châu Đức gia tăng bất thường: Tăng 25 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trước tình trạng này, huyện Châu Đức đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm khống chế, không để bệnh bùng phát mạnh và lan rộng trên địa bàn.
Đoàn viên, thanh niên xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức ra quân diệt lăng quăng tại các điểm xảy ra ổ dịch SXH.
Có mặt tại Khoa Nội-Nhi, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức chiều 13/7, chúng tôi ghi nhận trong số 46 bệnh nhân đang điều trị nội trú có 38 bệnh nhân mắc SXH. Theo lãnh đạo Khoa Nội-Nhi, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận 15 ca bệnh SXH, ngày cao điểm lên tới 30 ca/ngày.
Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân nhập viện do chủ quan nhầm tưởng SXH với chứng cảm sốt thông thường. Cách đây 2 tuần, anh H.Q, ở xã Xuân Sơn bị sốt, mệt mỏi trong người nhưng do nghĩ chỉ bị cảm thông thường nên anh vẫn đi làm bình thường. Đến ngày thứ 2, anh uống thuốc hạ sốt nhưng người vẫn nóng bừng, kèm theo những cơn đau nhức mỏi toàn thân nên anh mới đến phòng khám tư nhân để khám và được chẩn đoán ban đầu là SXH và phải nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Châu Đức.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Châu Đức, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 1.108 ca mắc SXH với 206 ổ dịch, cao gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 6/2019, ghi nhận 440 ca, từ đầu tháng 7 đến nay ghi nhận 206 ca. Các địa bàn có số ca mắc SXH cao như: Xã Bình Trung (113 ca), TT.Ngãi Giao (128 ca), xã Quảng Thành (116 ca), xã Kim Long (106 ca)...
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh ghi nhận 2.852 trường hợp SXH, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ 2018, trung bình mỗi tuần ghi nhận 150 ca mắc SXH. Dự báo từ nay đến tháng 11, SXH sẽ tiếp tục tăng cao trên toàn tỉnh, nhất là từ tháng 8 đến tháng 11. Các địa phương có số ca mắc cao gồm TP.Vũng Tàu, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc.
Bác sĩ Ngô Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Đức cho biết, do số lượng bệnh nhân SXH tăng nhanh, nhiều bệnh nhân sốt cao đột ngột kèm theo nhiều biểu hiện lâm sàng khác nên Trung tâm phải phân loại các bệnh nhân SXH theo các tuýp khác nhau để theo dõi, điều trị hợp lý, đồng thời hướng dẫn người dân cách phòng, tránh bệnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, trước tình trạng bệnh SXH bùng phát mạnh, từ đầu tháng 6 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức các đợt kiểm tra về công tác phòng chống SXH ở các địa phương. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình sử dụng dụng cụ, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, đồ dùng cũ còn đọng nước. Đây là những địa điểm lý tưởng để muỗi vằn đẻ trứng và phát triển, gây bùng phát SXH. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống bệnh SXH trong cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số hộ gia đình không hợp tác trong triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Người dân còn tâm lý ỷ lại vào việc phun thuốc diệt muỗi mà không chú trọng việc diệt lăng quăng dẫn đến bệnh SXH phát triển mạnh...
Tăng cường công tác phòng chống SXH
UBND tỉnh vừa có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục giám sát dịch tễ học, theo dõi mật độ muỗi tại những vùng trọng điểm, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường về dịch tễ để xử trí sớm khi có dịch xảy ra. Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện cấp cứu, công tác điều trị; thành lập các đội cấp cứu lưu động, cử cán bộ chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho y tế tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH...
Các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế tổ chức các đợt ra quân diệt lăng quăng, làm sạch môi trường. Sở GD-ĐT chỉ đạo phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố tập trung lực lượng GV, HS các trường từ tiểu học đến THPT tham gia chiến dịch diệt lăng quăng tại các hộ gia đình, địa phương, trường học, xem đây là một nội dung sinh hoạt ngoại khóa của HS các cấp.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, làm vệ sinh môi trường, loại bỏ dụng cụ chứa nước tự nhiên, phun hóa chất diệt muỗi... sâu rộng, triệt để đến từng hộ gia đình hàng tuần, từ tháng 7 đến tháng 11/2019.
Trước tình trạng này, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống bệnh SXH cho người dân. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phun thuốc diệt muỗi diện rộng tại các xã Bình Trung, Quảng Thành và Sơn Bình; phối hợp với các xã, thị trấn xử lý 230 ổ dịch nhỏ tại 16 xã, thị trấn trong toàn huyện. Ngoài ra, 100% UBND các xã, thị trấn phối hợp với Đoàn Thanh niên triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh SXH, biết cách dự trữ nước để không phát sinh muỗi, lăng quăng, vệ sinh nhà cửa, tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sinh sống 2 lần/tuần vào các ngày thứ Năm và thứ Bảy.
- Vụ học viên cai nghiện bỏ trốn: 67 người đã được đưa trở lại Trung tâm (10/11/2016)
- 5 điểm đến không thể bỏ qua trong tháng 11 (10/11/2016)
- Bệnh viện Tâm thần tỉnh: Khổ sở vì bệnh nhân trốn viện. (07/11/2016)
- Mảnh vỡ máy bay rơi ở Vũng Tàu được đưa xuống núi (04/11/2016)
- Đã khoanh vùng địa điểm máy bay gặp nạn (19/10/2016)
- Quảng Ninh huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ giúp dân chống bão (19/10/2016)
- Mạng điện thoại di động GTEL chính thức được cấp phép 4G (19/10/2016)
- Đã tìm thấy máy bay mất tích và thi thể 3 phi công. (19/10/2016)
- Ngành than không được chủ quan, phải chủ động ứng phó mưa bão (19/10/2016)
- Hy sinh giữa dòng lũ khi giúp sản phụ đi cấp cứu (18/10/2016)