Không bán được dê, nông dân chuyển hướng chăn nuôi bò, gà
15/04/2020

Dê tới thời điểm xuất bán bị ép giá, lỗ vốn thậm chí không có người mua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh phải chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác như bò, gà. 

Chuồng nuôi dê của gia đình bà Nguyễn Thị Thu (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã được cải tạo và chuyển đổi sang nuôi bò thịt.

GIÁ GIẢM SÂU

Đang dọn lại khu vực chuồng dê vừa phá bỏ để chuyển sang nuôi bò, bà Nguyễn Thị Thu (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho hay: “Hơn 5 năm nuôi dê, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như thời điểm hiện nay. Dê rớt giá nhưng để tìm được thương lái mua cũng không dễ chút nào. 30 con dê chờ xuất bán, nhưng gọi thương lái vào họ chỉ mua được 2-3 con”.

Trước đây, trong chuồng lúc nào cũng có gần 100 con dê thịt và dê sinh sản, do nhu cầu thị trường cao nên giá dê luôn ở mức 90-120 ngàn đồng/kg, có thời điểm dê lên đến 140-150 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình bà Thu thu lãi 150-200 triệu đồng. Theo tính toán của bà Thu, để đạt được 30-40kg dê thương phẩm thì mức đầu tư khoảng 2,7 triệu đồng (gồm giống, thức ăn, công chăm sóc, khấu hao chuồng trại, vắc xin tiêm phòng). Tuy nhiên hiện nay dê rớt giá gần một nửa, chỉ ở mức 70-75 ngàn đồng/kg thì hầu như không có lãi. Nếu càng nuôi càng lỗ vì dê già lứa, thịt dai, hôi, thương lái càng không mua. 

Tương tự tại huyện Xuyên Mộc, 10 con dê đến kỳ xuất bán của gia đình ông Nguyễn Đình Hoàng, ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp cũng không có người mua. “Tôi chưa biết xử lý như thế nào với đàn dê này. Dê không được để thời gian quá lâu sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của thịt. Tiêu thì rớt giá, giờ lại thêm dê không bán được, nông dân chúng tôi như ngồi trên đống lửa” - ông Hoàng buồn bã nói.

Những năm trước, các hộ nuôi dê ở Châu Đức, Xuyên Mộc là đầu mối cung cấp lượng thịt dê lớn cho các quán hàng trên địa bàn huyện, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các nhà hàng, quán ăn, điểm tiêu thụ thịt dê đóng cửa, do vậy dù số lượng dê tới thời kỳ xuất bán nhưng không có thương lái nào tới thu mua. Theo ông Bùi Phong Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba, huyện Châu Đức: Hiện trên địa bàn xã Bình Ba có nhiều hộ phát triển thành trang trại nuôi dê quy mô từ 50-150 con, tập trung chủ yếu tại 2 ấp là Suối Lúp và Bình Mỹ. Do không bán được dê nên nhiều hộ nông dân mang tâm lý lo sợ, tính đến việc không nuôi dê nữa mà chuyển đổi sang mô hình khác như gà, bò...

CẨN TRỌNG KHI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH CHĂN NUÔI KHÁC

Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 hộ nuôi dê với gần 155.500 con, cung cấp khoảng 4.000 tấn thịt dê mỗi năm ra thị trường, tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa và TX. Phú Mỹ. Hiện nay, thị trường tiêu thụ thịt dê của BR-VT vẫn khá nhỏ lẻ, chủ yếu trong tỉnh và một số địa phương lân cận. 

Trước tình hình dịch bệnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nông dân không nên nóng vội chuyển đổi hình thức nuôi trồng, bởi nuôi dê vẫn là hình thức mang lại hiệu quả cao, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như bắp, các loại lá…Ngoài ra, đây cũng là loài ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp. Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, các hộ chăn nuôi dê nên thành lập các HTX hoặc tổ hợp tác để chủ động trong liên kết về kỹ thuật sản xuất và tìm kiếm thị trường. Như vậy, nghề nuôi dê mới bền vững, đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người nông dân. “Người chăn nuôi không nên chạy theo lợi nhuận tức thì khi thấy dê hạ giá mà vội phá bỏ chuồng trại. Trên thực tế, dê vẫn là hình thức chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Do đó, bà con nông dân cần duy trì mô hình này, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường sẽ sôi động trở lại vì thịt dê luôn có nhu cầu cao, dễ tiêu thụ”, ông Sỹ nhấn mạnh.

 

 


Số lượt đọc: 2713 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác