Chiến tranh qua góc nhìn người trẻ.
06/06/2020

Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xiết bao kiêu hùng và bi thương. Đã có khá nhiều bộ phim Việt về chiến tranh đã trở thành kinh điển, để lại những cảm xúc sâu sắc trong ký ức nhiều thế hệ như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Cánh đồng hoang (1979), Biệt động Sài Gòn (1986)… Cho đến cuối thập niên 1990 những phim như Ngã ba Đồng Lộc (1997), Đời cát (1999) vẫn mang lại nhiều ấn tượng cho người xem… Nhưng sau đó, điện ảnh Việt Nam thưa thớt hẳn những tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính có thể thu hút được khán giả, nhất là những người trẻ tuổi - thế hệ trưởng thành sau cuộc chiến.

Một cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.

Một cảnh trong phim Người trở về.

THAY ĐỔI CÁCH LÀM PHIM VỀ CHIẾN TRANH

Có lẽ việc trước tiên là cần thay đổi từ chính những người làm phim, đặc biệt là những đạo diễn trẻ. Họ mang tới một góc nhìn mới trong cách tiếp cận vấn đề, xây dựng nhân vật để những bộ phim khai thác đề tài chiến tranh và người lính gần gũi hơn, chân thật hơn với khán giả. Đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh cho rằng: “Nhắc đến lịch sử Việt Nam không thể không nhắc tới những cuộc trường chinh của cả dân tộc. Đó là những ký ức bi hùng mà thế hệ sau không được phép lãng quên. Nhưng nhắc lại quá khứ không phải để khoét sâu thêm nỗi đau mà để trân trọng hơn giá trị của hòa bình trong thực tại, những hy sinh, máu, nước mắt của thế hệ cha anh”. Còn nữ đạo diễn thế hệ 8X Đặng Thái Huyền chia sẻ: “Phim về chiến tranh của Việt Nam thiên về anh hùng ca, ca ngợi chiến công của tập thể mà ít nói về cá nhân. Tư tưởng này khống chế rất nhiều khâu sáng tạo; trong khi nghệ thuật cần một bầu trời rộng mở để tưởng tượng thì các nhà làm phim Việt lại đang bị bó buộc từ nhiều phía”.

Do đó, ngoài việc ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng theo cảm hứng sử thi, các nhà làm phim đã chú trọng hơn đến yếu tố con người, khai thác số phận và cả những góc khuất trong cuộc sống của những người đi qua cuộc chiến. Như thế, phim sẽ mang màu sắc nhân văn, đa chiều và dễ tiếp cận với khán giả hơn. Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ nêu quan điểm của mình: “Sự thật là đã gần 5 năm nay, chưa có bộ phim điện ảnh đề tài chiến tranh nào được làm ở Việt Nam. Và những bộ phim được làm của 5 hay 10 năm trước cũng không có được sự quảng bá rộng rãi để khán giả biết đến. Nhưng tôi tin là chỉ cần phim có chất lượng tốt thì dù đề tài nào, khán giả cũng sẽ theo dõi và ủng hộ!”

ĐẾN GẦN VỚI KHÁN GIẢ TRẺ

Gần đây những bộ phim như Mắt biển, Người trở về và Truyền thuyết về Quán Tiên… đã tạo được những dấu ấn nhất định với khán giả, nhất là thế hệ những người sinh sau chiến tranh. Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Bộ phim kể câu chuyện về Mây - một nữ y tá ở chiến trường. Hòa bình lập lại, Mây tìm về bến sông Châu mong gặp lại gia đình và người yêu (San). Thế nhưng, ngày Mây trở về cũng là ngày San cưới vợ, còn gia đình đang chuẩn bị làm đám giỗ cho cô vì nghĩ rằng cô đã hy sinh. Không muốn thêm một người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định “cùng nhau làm lại từ đầu” của San. Hàng ngày, Mây phải chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh (vợ San) cố phô bày, chịu sự dằn vặt của người yêu cũ. Thêm vào đó, những vết thương từ chiến trường, nỗi ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội khiến Mây không thể bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc dù hòa bình lập lại. Phim Người trở về đã đoạt giải  Cánh Diều Vàng Việt Nam cho Phim điện ảnh xuất sắc nhất năm 2016.

Với Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều, lấy bối cảnh Trường Sơn thời chống Mỹ năm 1966 . Ba cô gái Mùi, Lan và Phượng được binh trạm trưởng giao nhiệm vụ mở quán ăn trong hang để tiếp tế cho bộ đội hành quân. Trên đường ra tiền tuyến, bộ đội có những phút nghỉ ngơi bình yên nên họ gọi nơi đây là Quán Tiên. 3 cô gái và Quán Tiên trở thành huyền thoại đối với những người lính mãi về sau. Phim thay đổi một số chỗ so với cốt truyện gốc. Các nhân vật thể hiện nhiều cung bậc nội tâm, dù không phải cung bậc nào cũng có chiều sâu: khát khao tình yêu, giằng xé giữa nhiệm vụ và bản năng, giữa lòng yêu nước và tình cảm riêng, giữa quyết tâm hy sinh và lựa chọn sống cho riêng mình... Bộ phim cũng cho thấy dấu ấn sáng tạo, đổi mới của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ và êkíp làm phim khi kết hợp những yếu tố thực và ảo, cài cắm những chi tiết ly kỳ xen lẫn hài hước tạo sự thú vị cho người xem. Truyền thuyết về Quán Tiên đã đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 và Cánh diều bạc tại giải Cánh diều 2020. 

Chiến tranh và hình tượng người lính vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận trước bầu trời nghệ thuật rộng mở. Nhưng chủ đề lớn lao ấy lại rất cần sự sáng tạo và những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc, tinh tế tránh đi theo lối mòn, “đao to búa lớn”. Với sự khởi đầu đầy tích cực của các đạo diễn trẻ, hy vọng điện ảnh Việt Nam sẽ có những bộ phim “bom tấn” kể về chiến tranh vô cùng hấp dẫn không chỉ với khán giả trong nước mà còn với bạn bè quốc tế.

 

 


Số lượt đọc: 3892 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác