Theo ước tính, chỉ riêng ở Đồng Nai đã có trên 60% diện tích măng cụt mất mùa, năng suất giảm 75 - 80%, giá trái cao vẫn không đủ bù lỗ.
Những ngày này, tâm lý của các hộ nông dân trồng măng cụt ở xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh khá nặng nề, buồn bã. Không còn cảnh tượng như năm ngoái thương lái đánh xe tải rầm rầm vào lấy hàng. Cũng ngớt đi cảnh nông dân đi qua, bàn lại chuyện giá cả... Gặp ông Lê Bá Tòng ở ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập tại vườn, ông cho hay: “Nhìn cây măng cụt mà thảm luôn chú ạ, gần như không có nổi một trái, cả vườn hàng trăm cây trống trơn. Năm trước vào lúc này trái bao kín cây, thương lái ra vào nườm nượp, nay thì xơ xác”. Ông Tòng có gần 3ha măng cụt với 300 gốc, là một trong số chủ hộ trồng măng cụt có diện tích lớn nhất xã. Trung bình mọi năm, măng cụt của ông luôn đạt sản lượng cao. Vụ năm 2014, ông thu về gần 40 tấn trái, năm 2015 cũng hơn 30 tấn, cho thu nhập đều đặn từ 600 - 700 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay toàn bộ diện tích chỉ cho ông chừng 3 tấn trái, mà phải đi mót, đi bói từng cây may ra mới được. Tuy giá măng cụt năm nay có cao hơn năm ngoái nhưng ông cũng chỉ thu lại được gần 100 triệu, chỉ bằng 1/5 so với mọi năm. Ông Tòng cho biết: “Bản thân cây măng cụt phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, người nông dân không biết cách nào can thiệp, xử lý để phòng hay trị bệnh. Nắng nóng quá cây cũng bệnh, mưa nhiều quá cũng mất mùa. Năm nay nắng hạn kéo dài khiến măng cụt thiếu nước nghiêm trọng, tôi tưới liên tục mà vườn cây vẫn khát. Rồi đột ngột trời mưa 3, 4 ngày không ngớt khiến cây bị ẩm, tỷ lệ ra bông thấp, rụng nhiều”. Suốt 20 năm trồng măng cụt, ông Tòng chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, thành thử “ổng trời thương thì cho ăn, không thì thua lỗ”. Qua thông tin từ một số thương lái miền Tây lên miền Đông mua trái cây, thì hầu hết diện tích măng cụt ở khu vực này đều trong tình trạng mất mùa.
Ngoài nguyên nhân do thời tiết nắng mưa thất thường, phần lớn diện tích măng cụt ở đây bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn làm cây thối rễ, chết. Theo các thương lái, giá măng cụt năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, nhưng họ vẫn không thu mua đủ số lượng cung cấp cho các vựa. Cùng đi với tôi là ông Lê Văn Đàn có hơn 150 gốc măng cụt trồng xen với nhiều loại cây khác như chôm chôm, sầu riêng. Mọi năm, vườn măng cụt của ông cho thu đều đặn từ 5 - 6 tấn. Tuy nhiên, năm nay ông cũng lâm vào tình cảnh như ông Tòng, toàn bộ vườn chỉ thu về gần 2 tạ trái. Theo ông, cả xã này đều bị mất mùa, vườn của ông Tòng bị nặng nhất do chỉ trồng măng cụt, hầu hết hộ khác thì trồng xen canh. Hiện bà con đang giảm dần diện tích măng cụt vì hiệu quả kinh tế không cao. “Nếu tình hình thời tiết vẫn diễn biến bất lợi, nhiều khả năng diện tích măng cụt sẽ còn giảm mạnh nữa. Gần nhà tôi đã có một số hộ cưa sạch cây măng cụt để trồng sầu riêng rồi”, ông Đàn chia sẻ. Ông Bùi Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lập cho biết, Xuân Lập là vùng trồng măng cụt lớn nhất thị xã Long Khánh với hơn 80ha, năm nay có tới 60ha bị thất thu, gây thiệt hại lớn cho bà con.
- Sản xuất chè hữu cơ là xu thế tất yếu (03/11/2020)
- Vườn lan hồ điệp trên cao nguyên (03/11/2020)
- Bình Định: Dè dặt trồng hoa cúc vụ tết (03/11/2020)
- Khôi phục cây chè xứ Nghệ (03/11/2020)
- Trồng cây ăn trái lợi nhuận cao (03/11/2020)
- Hào hứng giống lúa cao sản VNR20 (03/11/2020)
- Chè sạch Tuyên Quang (03/11/2020)
- Một thôn sản xuất 10 triệu cây ăn quả giống/năm (03/11/2020)
- Giống lúa ĐB6 chịu thâm canh (03/11/2020)
- Người tạo thương hiệu cây bơ sáp Thái Dương (03/11/2020)