Trồng tiêu ghép gốc tiêu dại: Nhiều nông dân nhận "quả đắng"
04/11/2016

Những năm gần đây, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu khiến cho nông dân trồng tiêu luôn nơm nớp lo sợ. Do vậy, một số nông dân tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) qua sự giới thiệu của người quen về giống tiêu ghép gốc dại có khả năng chống chịu được dịch bệnh và cho năng suất cao nên đã mua giống tiêu này về trồng. Tuy nhiên, kết quả lại không như kỳ vọng.

Ông Lương A Sáng, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, cho biết, gia đình ông trồng 2,4ha tiêu vào năm 1997. Đến năm 2011, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm đã làm cho vườn tiêu của gia đình ông từ 3.000 gốc chỉ còn lại hơn 300 gốc. Năm 2014, nghe người quen giới thiệu về giống tiêu ghép gốc tiêu dại với đặc tính sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, lại cho năng suất cao, ông đã nhanh chóng tìm đến huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai mua 1.500 bầu tiêu giống, với giá 25.000 đồng/bầu về trồng xen vào những trụ tiêu đã chết. “Đúng như lời giới thiệu, vườn tiêu ghép gốc tiêu dại sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tôi nghĩ từ nay hết lo về bệnh trên cây tiêu rồi. Tuy nhiên, tiêu trồng sau một năm bắt đầu cho bông nhưng chờ mãi tiêu không đậu trái”, ông Lương A Sáng nói. Cũng theo ông Lương A Sáng, lúc đầu, gia đình ông nghĩ rằng có lẽ tiêu chưa đủ sức nên chỉ ra bói. Nhưng đến vụ thứ 2, vườn tiêu của gia đình ông cũng chỉ cho bông mà không kết trái. Đến nay, tổng chi phí đầu tư của gia đình ông cho giống tiêu này đã lên gần 400 triệu đồng!

Tương tự, năm 2011, nghe lời người quen giới thiệu, ông Trần Đức Sinh, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp mua 1.200 bầu tiêu ghép gốc tiêu dại, với giá 25.000 đồng/bầu về trồng. Sau 5 năm chăm sóc, với 4 mùa cho quả, nhưng vườn tiêu của ông cho lượng trái chỉ đủ cho gia đình... ăn. Ông đã tìm đến các kỹ sư nông nghiệp, các công ty phân bón chuyên về cây tiêu đề nghị giúp đỡ, nhưng họ đều “bó tay” trước giống tiêu này.

Cũng làm theo các hộ nông dân khác trong xã Hòa Hiệp, năm 2014, ông Phạm Văn Bảo, ấp Phú Lộc, sang tận huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mua về 600 bầu tiêu ghép về trồng xen vào những trụ tiêu đã chết của gia đình mình. Cùng thời điểm này, ông Bảo cũng trồng 1.000 bầu tiêu giống địa phương. Vụ tiêu năm 2015, 600 gốc tiêu ghép của ông chỉ thu về được 70kg, trong khi đó, 1.000 gốc tiêu địa phương ông thu về 1,5 tấn. Và vụ tiêu năm 2016 này, trong khi 1.000 gốc tiêu giống địa phương của ông cho trái xum xuê, còn 600 gốc tiêu ghép vẫn trong tình trạng lưa thưa vài trái như năm ngoái.

Theo các hộ trồng tiêu, đây là giống tiêu có gốc ghép từ cây tiêu dại Amazon (Nam Mỹ) với dây tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) được các nông dân tại tỉnh Đồng Nai trồng thử nghiệm. Qua “nghe đồn” giống tiêu ghép này ít dịch bệnh nên dù ngành nông nghiệp chưa trồng khảo nghiệm, thậm chí đưa ra khuyến cáo không nên trồng khi chưa có kết quả nhưng nhiều hộ dân vẫn mua giống về trồng.

Ông Bùi Đức Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cho biết, mặc dù Hội Nông dân xã đã nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân cẩn thận với giống tiêu ghép này, nếu có trồng thì chỉ trồng ít để thử nghiệm. Nhưng với những thông tin (chưa được kiểm chứng) về đặc tính nổi trội của giống tiêu ghép gốc tiêu dại, cộng với tâm lý lo sợ dịch bệnh trên giống tiêu cũ nên nhiều bà con nông dân đã mạnh tay đầu tư với số lượng lớn. Theo ước tính, xã Hòa Hiệp có khoảng 20 hộ trồng giống tiêu này với diện tích khoảng 5ha. Hộ nhiều nhất trồng 1.500 bầu, hộ ít nhất thì vài chục bầu. Đa số các hộ trồng tiêu ghép gốc tiêu dại đều xảy ra tình trạng cây tiêu ra bông nhưng không đậu trái hoặc cho trái rất ít.

 


Số lượt đọc: 229 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác