Kiến thức “vàng” giúp nông dân bảo vệ cây, con hiệu quả
21/03/2017

Các hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tại 2 huyện Thanh Oai, Thường Tín giữa tháng 3.2017 đã cung cấp đầy đủ và kịp thời nhiều kiến thức quan trọng, giúp nhà nông triển khai phòng chống hiệu quả các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Để cây, con sống khỏe

Hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” được tổ chức tại huyện Thanh Oai vào ngày 14.3 vừa qua đã hút hơn 150 nông dân trên địa bàn tham dự. Bà Vũ Thị Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng: “Hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” được đơn vị tổ chức lần đầu trong năm 2017 đã thu hút rất nhiều nông dân cũng như các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp tham dự. Các đại biểu tham dự phát biểu rất sôi nổi và nhiệt tình, đặc biệt là nông dân Thanh Oai rất phấn khởi vì thông qua hội thảo biết được nhiều kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi để về áp dụng làm giàu”.

 

 

Nông dân Phùng Thị Diễn ở huyện Thường Tín cho rằng: “Việc được tham dự hội thảo giúp cho nông dân hiểu và biết được rất nhiều kiến thức, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt mới. Tuy nhiên để bà con học hỏi áp dụng nhanh hơn các kỹ thuật đó, ngoài việc tổ chức hội thảo ở phòng họp, Ban tổ chức cần tổ chức thêm các hội thảo đầu bờ để các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp chỉ dẫn, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho bà con thì mới có hiệu quả nhanh và bền vững được”.

 

Có kinh nghiệm 15 năm nuôi cá nước ngọt nhưng anh Lê Văn Trẻo (ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) luôn phấp phỏng nỗi lo mỗi khi thời tiết thất thường. Theo anh Trẻo, tháng 3 mưa phùn kéo dài làm tiết trời âm u là điều kiện dễ làm cho cá nhiễm bệnh chết hàng loạt.

Không chỉ có gia đình anh mà hàng trăm hộ nuôi cá thương phẩm trên địa bàn xã Liên Châu đều có chung nỗi lo tốn nhiều chi phí chữa bệnh cho cá mà không có hiệu quả. Tham dự hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” lần này, anh Trẻo đã có thêm kiến thức về cách phòng bệnh hiệu quả cho cá. Quan trọng nhất là luôn đảm bảo môi trường ao nuôi với nguồn nước sạch, thường xuyên thay nước kết hợp quạt oxy để loại bỏ độc tố. Đồng thời, trộn tỏi giã nhỏ vào thức ăn cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng, tránh nhiễm bệnh.

Hộ chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Tràng Cát, xã Kim An có 2 sào ổi đang vào mùa thu hoạch, mặc dù chăm sóc tốt nhưng mã quả vẫn xấu, nhiều quả bị thối bên trong. Băn khoăn của chị Mai đã được TS Ngô Vĩnh Viễn (Viện Bảo vệ thực vật) giải đáp kịp thời. Theo TS Viễn, những năm gần đây ruồi vàng đã trở thành đại dịch của cây ăn quả vì nó phát sinh quanh năm làm giảm năng suất, chất lượng quả. Vì vậy, nông dân cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa ruồi từ sớm, tránh để đến khi ruồi đẻ trứng ký sinh trên quả thì không thể chữa trị được. Nông dân nên dùng bẫy Pheromone hoặc bẫy bả Protein để dẫn dụ ruồi, kết hợp sử dụng túi nylon bọc quả. Song, để diệt trừ triệt để ruồi vàng, các hộ trong một vùng trồng cây ăn quả cần thực hiện đồng bộ, đại trà.

Là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm quy mô khá lớn ở huyện Thường Tín, tới tham dự hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” được tổ chức tại huyện ngày 16.3, anh Nguyễn Đức Hùng (xã Liên Phương) thắc mắc: “Hiện nay, người chăn nuôi ở xã tôi rất lo về dịch cúm gia cầm, mong các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn giúp nông dân cách phòng dịch cũng như các biện pháp chữa trị khi gia cầm bị cúm?”.

Thắc mắc của anh Hùng được PGS-TS Lê Văn Năm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam giải đáp: “Thời điểm đầu năm, thời tiết nồm, ẩm thường tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Để tránh dịch cúm cũng như tránh thiệt hại về kinh tế, bà con nên có phương pháp phòng bệnh tốt. Mọi người nên chọn mua gà giống ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo không có bệnh,  không nhốt chung gia cầm mới mua về với gia cầm khoẻ đang nuôi, cần cách ly nuôi riêng trong vòng 10 ngày.

Đặc biệt, theo ông Năm, các chủ trang trại phải vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên phải đảm bảo chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi luôn luôn sạch và khô ráo. Ngoài ra, nông dân cũng cần chú ý thức ăn, nước uống cho gia cầm phải luôn sạch sẽ và chú ý tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Cũng theo PGS Năm, bà con phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết. “Khi gia cầm có hiện tượng ốm, chết bà con không bán chạy, không ăn thịt gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết bừa bãi. Đồng thời các chủ trang trại cần phối hợp chính quyền bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn, bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột theo quy định của thú y” – ông Năm nhấn mạnh.

Ông Năm cũng lưu ý bà con, hiện nay, theo quy định, khi phát hiện bệnh cúm gia cầm của một cơ sở chăn nuôi thì toàn bộ số gia cầm của cơ sở đó phải bị tiêu huỷ và tiêu độc, không điều trị vì tất cả các loại kháng sinh và hoá dược đang sử dụng đều không có tác dụng với bệnh cúm gia cầm. Đặc biệt là virus cúm gia cầm lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loài gia cầm, nhiều loài chim và cả cho người.

Theo các chuyên gia, trong sản xuất nông nghiệp phòng bệnh là quan trọng nhất trong khi đa số nông dân không coi trọng yếu tố này, chỉ khi thấy cây trồng, vật nuôi bị nhiễm bệnh mới chữa trị. Cách làm này vừa không hiệu quả lại tốn kém nhiều chi phí, đó là chưa kể việc lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây tồn đọng dư lượng hóa chất trong sản phẩm.


Số lượt đọc: 202 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác