3 tháng trước, người trồng chuối già ở Đồng Nai rơi vào tình cảnh bi đát, bán 1 kg chuối không mua nổi cốc trà đá, nhưng nay đã có tín hiệu vui trở lại.
Theo tìm hiểu, giá thu mua chuối già tại đây đã ổn định trở lại. Theo đó, giá chuối dao động từ 3.700 - 5.000 đồng/kg (chuối xuất khẩu) và 2.000 - 3.000 đồng/kg (chuối bán chợ).
Ông Lâm Văn Đức ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cho biết, gần 3 tháng trước, 2 ha vườn chuối già hương của gia đình ông khi thu hoạch đạt sản lượng khoảng 150 tấn nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 50% với giá bán chưa đến 1.000 đồng/kg. Hầu hết thương lái đến vườn coi xong rồi đi.
“Lúc đó chuối gần chín hàng loạt mà không tìm được người mua. Nhiều vườn phải chấp nhận để chuối chín rụng gốc vì có chặt cũng không biết bán cho ai”, ông Đức nói.
Sau đó, từ kết nối của các cơ quan, tổ chức đoàn thể, sản lượng trên 70 tấn chuối của ông Đức đã được “giải cứu” tạm thời với giá bình quân 3.000 đồng/kg. Ông nói: “Giá bán đó chỉ hòa vốn nhưng cũng may mắn rồi. Bởi vào thời điểm đầu vụ không mấy ai dám tin sẽ bán được hết chuối trong vườn. Hiện tôi còn khoảng 2-3 tấn chưa thu hoạch mà bây giờ việc bán chuối không còn khó khăn như trước nên không phải lo nhiều”.
Được biết, xã Thanh Bình là nơi có diện tích trồng chuối già cấy mô lớn nhất Đồng Nai. Tháng 2 vừa qua là thu hoạch đầu vụ, do nhu cầu thị trường giảm sút nên phần lớn sản lượng chuối thu hoạch rơi vào cảnh bí đầu ra. Tuy nhiên, khi bước vào vụ thu hoạch rộ vào tháng 3 và 4, cũng nhờ sự kết nối của Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ chuối của tỉnh, phần lớn sản lượng chuối của người dân đã được tiêu thụ.
“Hơn 90% sản lượng chuối của người dân trên địa bàn xã được thu mua hết”, ông Nguyễn Tuấn Cường, PCT UBND xã phấn khởi.
“Đối với số chuối thu hoạch muộn còn lại, việc tiêu thụ đã không còn khó khăn như trước. Các thương lái cũng như các doanh nghiệp đã tập trung thu mua trở lại sau thời gian ngưng thu mua” (Nguồn: báo cáo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai ngày 25/4). |
Theo Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ chuối, thời điểm đầu vụ thu hoạch năm 2017, huyện Trảng Bom là địa phương có sản lượng chuối già hương không có nơi tiêu thụ lớn nhất tỉnh với mức tồn đọng trên đồng ruộng lên gần 9.000 tấn. Nhưng qua 2 tháng triển khai công tác kết nối, đến nay trong tổng số gần 7.000 tấn chuối đã thu hoạch thì có hơn 99% sản lượng đã tìm được địa chỉ tiêu thụ.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT, thời điểm giá chuối xuống thấp, việc tiêu thụ khó khăn nhưng vẫn có một số doanh nghiệp tìm về thu mua chuối để xuất khẩu.
Tuy nhiên, do chất lượng chuối chưa đáp ứng nên các doanh nghiệp này không thể thu mua. Vì vậy, theo ông Vinh, để tránh tình trạng rớt giá như thời gian qua và tạo hướng phát triển bền vững, việc xây dựng cánh đồng lớn cho cây chuối, tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trong thời gian sắp tới là việc làm cấp thiết.
Ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết thêm, Cty TNHH Kim Tây Nam (TP Hồ Chí Minh) đang triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn cho cây chuối trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Cty khảo sát, lấy ý kiến người dân sinh sống tại 2 xã Bàu Hàm và Cây Gáo của huyện Trảng Bom để thực hiện dự án.
“Tại 2 địa phương này có khoảng 200 ha trồng chuối. Cty đang đàm phán với người dân để hoàn thiện kế hoạch triển khai dự án cánh đồng lớn trên cây chuối”, ông Định khẳng định.
- Sản xuất chè hữu cơ là xu thế tất yếu (03/11/2020)
- Vườn lan hồ điệp trên cao nguyên (03/11/2020)
- Bình Định: Dè dặt trồng hoa cúc vụ tết (03/11/2020)
- Khôi phục cây chè xứ Nghệ (03/11/2020)
- Trồng cây ăn trái lợi nhuận cao (03/11/2020)
- Hào hứng giống lúa cao sản VNR20 (03/11/2020)
- Chè sạch Tuyên Quang (03/11/2020)
- Một thôn sản xuất 10 triệu cây ăn quả giống/năm (03/11/2020)
- Giống lúa ĐB6 chịu thâm canh (03/11/2020)
- Người tạo thương hiệu cây bơ sáp Thái Dương (03/11/2020)