Những gợi mở về hướng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
14/08/2017

Hiện nay, BR-VT đang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Là nông dân, chúng tôi biết NNUDCNC là hướng đi mơ ước. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ, sản xuất nông nghiệp truyền thống luôn chịu nhiều rủi ro về thời tiết, giá cả, thị trường. Thời gian qua, đã có nhiều nông sản phải kêu gọi xã hội “giải cứu”, như chuối, heo, gà... Trong bối cảnh đó, người nông dân mong muốn được sản xuất theo các mô hình nông nghiệp tiên tiến, NNUDCNC để giảm bớt rủi ro, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, làm sao để nông dân có thể sớm tiếp cận NNUDCNC khi hàng loạt câu hỏi lớn đang được đặt ra.

Trước hết, hiện nay nông dân còn chưa hiểu rõ về NNUDCNC. Thứ hai là những mô hình mẫu theo công nghệ Israel đang thực hiện ở khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã tham quan, có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng/1ha thì nông dân sẽ lấy vốn từ đâu để thực hiện. Thứ ba, là sản phẩm làm ra thì thị trường tiêu thụ ở đâu, giá cả như thế nào để nông dân mạnh dạn đầu tư, đây cũng là vấn đề then chốt nhất mà nông dân quan tâm. Thứ tư, đó là năng lực điều hành, trình độ quản lý của nông dân chưa bắt kịp về công nghệ cao (công nghệ giống, lai tạo, chế biến, bảo quản...). Thứ năm là nông dân thiếu sự định hướng quy hoạch sản xuất các mặt hàng thế mạnh của từng vùng. Thứ sáu là trong chuỗi sản xuất, việc liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà DN, nhà khoa học, Nhà nước, nhà băng (ngân hàng) còn quá lỏng lẻo.

Từ những băn khoăn trên, tôi đề xuất một số giải pháp:

Trước hết tỉnh sớm quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh để phát triển NNUDCNC. Nhà nước đầu tư hạ tầng và có cơ chế khuyến khích để mời gọi nông dân và các thành phần kinh tế tham gia. Ví dụ, tại xã Phước Thuận, Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc) có tiềm năng để trồng các loại dưa. Tỉnh có thể quy hoạch nơi đây thành vùng sản xuất dưa, lựa chọn và đầu tư bài bản về hạ tầng NNUDCNC, sau đó từng bước thu hút nông dân tham gia sản xuất (kiểu như đầu tư các khu công nghiệp để mời gọi nhà đầu tư).

Thứ hai, muốn nông dân UDNNCNC thì phải xây dựng mô hình mẫu. Mô hình này phải đáp ứng các tiêu chí về NNUDCNC vừa phù hợp khả năng về kinh tế của nông dân. Ngoài ra, cần đào tạo trực tiếp cho nông dân về quy trình và sử dụng các loại máy móc, thiết bị trong bảo quản, sơ chế sản phẩm và chế biến nông sản và các kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Thứ ba, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các DN bỏ vốn đầu tư hạ tầng chợ đầu mối nông sản, cơ sở chế biến, kinh doanh các sản phẩm NNUDCNC như rau củ quả, thực phẩm... Đây chính là “địa chỉ” giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa nông sản, tránh tình trạng bị tư thương ép giá.

Các sở, ngành của tỉnh cần làm đầu mối trung gian để nông sản tiếp cận đến các kệ hàng của siêu thị, các bếp ăn KCN, các cửa hàng trong tỉnh và các kênh phân phối khác.

Thứ tư là giải pháp về vốn đầu tư, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và dài hạn. Bởi vì đầu tư vào NNUDCNC cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài hạn nên việc hỗ trợ nguồn lực tài chính từ Nhà nước sẽ giúp nông dân mạnh dạn hơn trong sản xuất nông nghiệp.


Số lượt đọc: 186 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác