Thanh long Việt Nam được phép nhập khẩu vào Úc
05/10/2017

Chính phủ Úc vừa thông báo cho phép NK trái thanh long từ Việt Nam vào nước này. Đây là loại trái cây tươi thứ 3 của Việt Nam được phép XK sang Úc.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, ngày 24/8 vừa rồi, Úc đã chính thức công bố cho phép NK trái thanh long Việt Nam. Như vậy, sau trái vải và xoài, thanh long là loại trái cây tươi thứ 3 của Việt Nam được Úc cho phép NK vào nước này. Việt Nam cũng là nước duy nhất cho đến nay được phép XK trái thanh long vào Úc.

Đồng thời, Úc cũng đã công bố các quy định cụ thể đối với thanh long NK từ Việt Nam. Theo đó, thanh long được phép NK từ Việt Nam vào Úc phải có nguồn gốc, sản xuất và XK từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan. Nhà NK phải có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp Úc cấp.

Trước khi XK sang Úc, thanh long phải được Cục BVTV Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (ATSH). Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (KDTV) gốc phải đi kèm với mỗi lô hàng và phải được hoàn thành một cách chính xác.

Để chứng minh cho sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận KDTV phải ghi rõ: “The fruit in this consignment have been produced in Vietnam in accordance with the conditions governing entry of fresh dragon fruit to Australia and in accordance with Work Plan ‘Export of Fresh Fruits from Vietnam to Australia’ and inspected and found free of any pests of biosecurity concern to Australia”. Dịch là “Trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện NK thanh long tươi vào Úc và phù hợp với Chương trình ‘XK trái cây tươi của Việt Nam vào Úc’, đã được kiểm dịch và không có bất kỳ loại côn trùng nào trong diện kiểm soát ATSH của Úc”.

Thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi (VHT) với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5oC, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục BVTV Việt Nam phê duyệt. Để chứng minh sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận KDTV phải ghi rõ như sau: Chi tiết việc xử lý (ngày xử lý, nhiệt độ và thời gian xử lý); tên cơ sở đóng gói/xử lý và số đăng ký; số thùng trong lô hàng; số container và số niêm phong (đối với lô hàng vận chuyển bằng đường biển).

Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận KDTV hoặc trên chứng từ thương mại (ví dụ trên vận đơn). Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận KDTV cũng phải được ghi rõ. Bất cứ lô hàng nào không có giấy chứng nhận KDTV đầy đủ hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng thì sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp Úc tham vấn với Cục BVTV Việt Nam để làm rõ và ra quyết định.

Bên cạnh đó, thanh long phải không có côn trùng và bệnh dịch. Trái thanh long cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác, trừ 1cm cuống của trái thanh long. Mỗi lô hàng phải được đảm bảo tình trạng kiểm dịch trong khi vận chuyển bằng các lựa chọn đóng gói đảm bảo. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến chẳng hạn như rơm. Các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc.

Container phải được kiểm tra bởi Cục BVTV Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập. Bộ Nông nghiệp Úc có thể lấy mẫu và kiểm dịch bất cứ lô hàng nào.

Nếu bị phát hiện có dấu hiệu của bệnh dịch, lô hàng sẽ bị Bộ Nông nghiệp Úc giữ lại và đánh giá rủi ro về ATSH để xác định các lựa chọn cho nhà NK. Lựa chọn đó có thể là thông quan, xác định thêm, xử lý, tái xuất, hoặc tiêu hủy.

Bộ Nông nghiệp Úc có thể rà soát chính sách NK thanh long từ Việt Nam bất cứ lúc nào sau khi thương mại bắt đầu hoặc khi tình trạng sâu bệnh và KDTV tại Việt Nam bị thay đổi.


Số lượt đọc: 742 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác