'Cơn lốc' đưa cam sành xuống đất ruộng
21/05/2018

Tại Vĩnh Long, phong trào trồng cam trên đất ruộng tăng tốc rất nhanh, lúc đầu tập trung ở 2 huyện Trà Ôn và Tam Bình, sau đó lan ra các huyện Bình Tân, Vũng Liêm và TX Bình Minh.

Tuy nhiên, nguy cơ "lạm phát" cam sành hoàn toàn có khả năng xảy ra, nếu không phanh lại kịp.

Cam sành trên đất ruộng, mật độ rất dày, từ 400- 500 cây/công (1.000m2), năng suất 6-10 tấn trái/công, cá biệt nông dân sản xuất giỏi có thể đạt 12 tấn/công. Tuy nhiên, chu kì thu trái thấp, thường chỉ kéo dài 3-5 năm, nếu kĩ thuật canh tác tốt có thể thêm 1 năm nữa là phải chặt bỏ, vì khi đó hầu như cây cam đã được khai thác triệt để.

2 năm trước, giá cam sành tăng cao, bình quân trên 20.000 đồng/kg, mỗi ha cam sành có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ cam sành mà nhiều gia đình có thu nhập cao, cất nhà tường kiên cố, khang trang. Gần như 100% nhà tường đều từ cây cam sành mà ra.

Thấy đây là mô hình siêu lợi nhuận, người dân càng hăng hái đưa cây cam sành xuống ruộng, khiến bùng nổ diện tích cam. Năm 2017, tuy giá cam có giảm nhưng lợi nhuận vẫn gấp nhiều lần lúa, bình quân từ 500- 800 triệu đồng/năm tùy thời điểm, năng suất. Năm 2017, diện tích cam sành tại huyện Trà Ôn tiếp tục mở rộng thêm 300ha.

Ông Huỳnh Văn Sang, có gần 30 năm trồng cam sành ở ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn), đang canh tác 30ha cam cho biết: “Giá cam hiện khá thấp, chỉ từ 13 -16.000 đồng/kg, lợi nhuận thua xa trước đây. Mức giá 20.000 đồng/kg thường rơi vào vụ nghịch, kéo dài chỉ 1 tháng thôi. Nếu kĩ thuật tốt, biết bón phân, phun thuốc hợp lí thì mới có lời. Đó là chưa nói, vốn trồng cam khá lớn, 70-80 triệu đồng/công”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Trà Ôn, nói: “Hiện nay, cam sành cho thu nhập cao nhưng tiêu thụ nội địa là chính, có XKtiểu ngạch sang Trung Quốc cũng chỉ phần nào. Đối với trái cam sành, nhược điểm chính là thời gian bảo quản ngắn, nếu trên cây thì neo được 15- 20 ngày, còn cắt xuống rồi thì 7 ngày là hư.

Hiện chưa có quy trình bảo quản sau thu hoạch trái cam sành cũng như chưa có đơn vị nào đầu tư vào lĩnh vực này ở Vĩnh Long. Các khâu chủ yếu làm thủ công, trái cam dễ hư, dập. Vì vậy, tôi kiến nghị các nhà khoa học nghiên cứu quy trình bảo quản trái cam sành giữ được lâu hơn, nâng cao giá trị cũng như lợi nhuận cho người trồng cam”.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, thông tin: “Đến cuối năm 2017, diện tích trồng cam toàn tỉnh là 9.247 ha, trong đó, trồng mới là 1.590 ha, chủ yếu trên đất lúa. Diện tích cam đang cho trái 8.405 ha, sản lượng 102.955 tấn. Cam sành là 1 trong 3 cây trồng chủ lực cùng với khoai lang, lúa. Để phát triển cây cam sành, Chi cục BVTV đã có quy trình trồng cam theo hướng giảm lượng phân, thuốc, tăng thời gian bảo quản trái cũng như tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP nhằm tăng tuổi thọ của cây”.

 

Ông Ngô Ngọc Mười, Giám đốc HTX Cam sành Organic Trà Ôn chia sẻ: Tại huyện Trà Ôn, đa số bà con nông dân trồng cam kiểu truyền thống và tự phát, dùng quá nhiều phân, thuốc hóa học, chất kích thích tăng trưởng. Từ đó, chất lượng trái cam không đạt yêu cầu, thương lái thu mua e ngại, dẫn đến giá thấp, khó tiêu thụ.

Để giải quyết đầu ra trái cam, HTX Cam Sành Organic Trà Ôn ra đời năm 2017 nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cho từng loại sản phẩm, theo chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ với mức giá hợp lý. Mục tiêu của HTX là nâng cao năng suất, chất lượng trái cam, giá bán tăng, giảm chi phí đầu tư.

Năm 2018, HTX phấn đấu đăng kí mã vạch, xây dựng thương hiệu và đưa trái cam sành xuất sang Úc. Vụ vừa rồi, trong khi giá cam sành thương lái thu mua bên ngoài 10.000 đồng/kg, thì HTX đã bao tiêu cho các thành viên HTX khoảng 30.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt gấp đôi so với trước.

 


Số lượt đọc: 1063 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác