Tại hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2017, định hướng giai đoạn đến 2025 do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức cho thấy, ngành lâm nghiệp trong 5 năm qua đã bám sát đề án tái cơ cấu ngành, góp phần tích cực vào thành công trong kim ngạch xuất khẩu...
Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Vafs), trong giai đoạn 2013 - 2017 lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học trong lâm nghiệp đã có 110 giống được Bộ NN-PTNT công nhận cho các loài keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm, keo lá liềm, bạch đàn uro, bạch đàn lai, thông macadamia, tràm năm gân, tràm trà... Trong đó, có 14 giống quốc gia và 96 giống tiến bộ kỹ thuật. Các giống keo và bạch đàn được công nhận đều có năng suất cao trung bình đạt từ 25 - 40m3/ha/năm và hiện đang được sử dụng phổ biến trong rừng trồng cả nước.
Trong lĩnh vực lâm sinh, Vafs và các đơn vị nghiên cứu trong ngành đã xác định thành công tập đoàn các loài cây trồng rừng chủ yếu cho các vùng sinh thái, như: vùng thấp < 700m, vùng cao > 700m, vùng lập địa khắc nghiệt, vùng cát ven biển, vùng khô hạn, vùng xói lở ven sông rạch, vùng ngập mặn và san hô…
Vafs cũng đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật gây trồng rừng cho hơn 30 loài cây bản địa lấy gỗ phục vụ trồng rừng gỗ lớn, rừng phòng hộ, lâm sản ngoài gỗ, phục hồi hệ sinh thái nhiều vùng ngập mặn và sau khai thác khoáng sản…
Với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, quản lý tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, các đơn vị đã triển khai dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc; Điều tra đánh giá và giám sát tài nguyên rừng quốc gia; Xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và truyền tin cháy rừng từ ảnh vệ tinh; Phát hiện 6 loại cây mới cho ngành thực vật ở Việt Nam, trong đó có 2 loài cũng là phát hiện mới của thế giới thuộc họ Ngọc Lan (Magnoliaceae).
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp rừng, đã có nhiều công trình nghiên cứu vô cùng hiệu quả, thiết thực, ứng dụng thực tiễn cao thuộc mảng cơ khí lâm nghiệp, chế biến lâm sản và bảo quản gỗ. Điển hình là nhà giâm hom cây lâm nghiệp cải tiến quy mô công nghiệp và bán công nghiệp, thiết bị nhổ gốc cây, cây ngầm làm đất trồng rừng, làm chủ công nghệ và chế tạo thành công 4 loại máy phục vụ chữa cháy rừng.
Đã nghiên cứu về tính chất cơ lý, giải phẫu gỗ của 300 loài cây gỗ và tre thuộc 53 chi, 25 họ thực vật ở Việt Nam, nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị ép và công nghệ sản xuất ván ép biến tính nhiều lớp kích thức lớn và chịu ẩm từ gỗ rừng trồng thuộc lĩnh vực chế biến lâm sản.
Về bảo quản gỗ, Vafs và các đơn vị trong ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu được nhiều công nghệ xử lý gỗ bằng vật liệu nano, sơn PU tăng khả năng chống chịu tia UV bảo vệ màu sắc gỗ, hoàn thiện công nghệ xử lý, bảo quản gỗ cho tàu thuyền đi biển theo phương pháp ngâm thường và chân không áp lực cũng như công nghệ sơn chống hà.
Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu và đề xuất các chính sách phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Đánh giá được các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng trên 11 tỉnh, thành.
Xác định được mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Thác Mơ, Yaly, Vĩnh Sơn, Phú Ninh kèm theo phần mềm hướng dẫn quản lý sử dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Xây dựng dự thảo phương án cổ phần hóa tại một số công ty lâm nghiệp… và chuyển giao hàng trăm tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ KHCN trong các chương trình, dự án khuyến lâm, từ đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng cây vô tính trong trồng rừng bình quân trong cả nước lến trên 30%.
Trước những tồn tại khách quan, chủ quan của công tác nghiên cứu KHCN trong lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ KHCN và MT (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, trước mắt là 2018 - 2025 để tiếp tục phục vụ chủ trương tốt tái cơ cấu ngành, ngành lâm nghiệp cần đẩy mạnh các nhiệm vụ KHCN theo các chương trình lớn, mang tính tổng hợp, theo chuỗi để ra được sản phẩm cuối cùng, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của rừng và các sản phẩm từ rừng.
Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt ưu tiên các giống chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn, chịu gió bão song song với phát triển các giống keo lai chủ lực cho một số vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, ngành lâm nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, kết hợp với các doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm, chuỗi giá trị, liên kết mới, hướng đến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ra thị trường thế giới.
"Công tác nghiên cứu KHCN trong lâm nghiệp trong lịch sử cũng như thời điểm hiện tại chưa khi nào hết khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng thí nghiệm. Đặc biệt, đối tượng nghiên cứu khoa học lâm nghiệp là cây rừng có chu kỳ kinh doanh rất dài nên cần có giải pháp nghiên cứu kế thừa, việc bảo hộ bản quyền giống trong lâm nghiệp khó khăn hơn rất nhiều so với bảo hộ giống trong lĩnh vực cây lương thực", GS.TS Võ Đại Hải. |
- Hiệu quả phòng bệnh cúm gia cầm dùng vacxin (08/06/2020)
- Kết hợp nuôi thủy sản với sản xuất điện mặt trời (08/06/2020)
- Trồng rau thủy canh thu 100 triệu đồng mỗi tháng (08/06/2020)
- Mô hình tưới tiết kiệm cho lúa để thích nghi biến đổi khí hậu (15/05/2020)
- Mô hình tưới tiết kiệm chôn chìm: Công nghệ mới, hiệu quả cao (15/05/2020)
- Nông trại hữu cơ vùng cao nguyên Langbiang đạt tiêu chuẩn Nhật Bản (14/05/2020)
- Ve đen hại lúa (14/05/2020)
- Kỹ thuật nuôi gà Mía và phòng bệnh bằng thảo dược (14/05/2020)
- Trồng rau thủy canh thu 100 triệu đồng mỗi tháng (14/05/2020)
- Sâu keo mùa thu (14/05/2020)