Đó là anh Lê Việt Hà ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Qua tìm tòi, học hỏi để chọn giống mới sạch bệnh, anh đã tìm đến với kỹ thuật nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Được biết, cây khoai mỡ chủ yếu được người dân nhân giống theo cách truyền thống là giữ lại củ của vụ trước, đợi đến thời điểm xuống giống thì cắt củ thành từng mặt khoai có kích thước khoảng 4 x 5cm, ủ cho mọc mầm trước khi đưa xuống ruộng. Với cách giữ giống này, sau nhiều năm liên tục sẽ làm cây sinh trưởng yếu, tính kháng sâu bệnh giảm, ảnh hưởng đến năng suất.
Anh Lê Việt Hà canh tác 3 ha khoai mỡ từ năm 1997. Tuy nhiên cây ngày càng bị nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó bệnh làm “đau đầu” nhất là hiện tượng mục đầu, gây ảnh hưởng đến phẩm chất khoai và thất thu năng suất.
Năm 2010 anh Hà nghiên cứu sách vở tìm ra phương pháp hạn chế hiện tượng này là xử lý nước nóng “3 sôi, 2 lạnh” để khử tuyến trùng gây mục đầu khoai, hiệu quả chiếm trên 90%. Từ đó đến nay, anh Hà đã có nguồn giống sạch bệnh để bán cho nông dân trong xã và khu vực Bến Kè Long An với sản lượng trên 100 tấn giống.
Không dừng lại, anh còn tìm đến Trung tâm Công nghệ sinh học Tiền Giang học hỏi phương pháp nuôi cấy mô trên khoai mỡ nhằm cải thiện nguồn giống nhiễm bệnh mục đầu. Năm 2013, kỹ sư Văn Thị Thúy Hoa đã nhận nuôi cấy mô giống khoai mỡ cho anh. Sau 1 năm anh nhận 100 cây giống về trồng, rồi tiếp tục nhân ra bằng việc sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa. Một năm chăm sóc tiếp theo, anh Hà đã có khoảng 150 kg khoai mỡ sạch bệnh. Đến năm 2016 anh đã cung cấp giống khoai nuôi cấy mô cho nhiều hộ trong xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Bến Kè Long An.
Với sự nhiệt tình tâm quyết của mình, năm 2018, anh tiếp tục liên hệ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhờ nhân giống nuôi cấy mô từ 3 kg khoai mỡ tím của gia đình với giá 5.000 đồng/bầu. Đến 9/2018 này anh sẽ nhận về nhân giống để tiếp tục có nguồn giống mới, sạch bệnh phục vụ nông dân.
Anh Hà tâm sự: “Khi thấy khoai mỡ bị bệnh mục đầu nhiều mà cây bệnh ảnh hưởng trong đất, trong giống nên tôi luôn trăn trở tìm giống mới. Bên cạnh nguồn giống tốt, tôi nghĩ cần xây dựng quy trình trồng khoai mỡ để hạn chế sâu bệnh, giúp tăng thu nhập cho mình và bà con ở xung quanh”.
Từ năm 2017 đến nay anh Hà canh tác khoai mỡ sau khi nuôi cấy mô. Thời gian trồng 5 tháng thì củ to từ 1 – 1,2 kg, không mục đầu, sức sinh trưởng cây mạnh, hạn chế việc sử dụng phân hóa học. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 16 – 18 tấn khoai/ha/5 tháng. Giống khoai của nhà anh cung cấp cho bà con đồng đều, giá bán 20.000 đồng/kg. Hiện anh đang trồng 3 ha khoai giống để cung cấp trong vụ tới.
Từ một nông dân canh tác khoai mỡ lâu năm trên vùng đất nhiễm phèn, sâu bệnh hại ngày một nhiều gây ảnh hưởng năng suất nhưng nhờ nhiệt tình học hỏi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, anh Lê Việt Hà đã thành công nhân giống khoai mỡ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh là tấm gương để nông dân gần xa học tập.
- Không gieo cấy trước lịch thời vụ (03/12/2020)
- Trồng rau quả sạch ở ATK Định Hóa (03/12/2020)
- Kỹ sư trẻ tâm huyết với giống bưởi quý (03/12/2020)
- Triển vọng cây hà thủ ô đỏ ở Cao Bằng (03/12/2020)
- Sản xuất trái cây sạch có đầu ra ổn định (03/12/2020)
- Cần Thơ hướng đến sản xuất trái cây bền vững (03/12/2020)
- Khôi phục sản xuất hoa cho tết (03/12/2020)
- Cà chua ghép trên cánh đồng Mường Lò (03/12/2020)
- Quảng Ninh: Cây củ đậu mở lối thoát nghèo (03/11/2020)
- Ninh Thuận phát triển chuỗi giá trị nông sản (03/11/2020)