Ba kích tím trên đất đồi cằn
18/06/2020


Sau hơn một năm triển khai trồng cây ba kích tím trên đất đồi cằn sỏi đá, đến nay cây trồng này đã phát triển tốt và bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng.

Nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và đưa cây ba kích tím trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, hướng tới phát triển sản phẩm OCOP, tháng 4/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình trồng cây dược liệu tại xã Vinh Sơn, TP Sông Công và xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, trên diện tích hơn 5ha với 18 hộ dân tham gia.

Các hộ tham gia được hỗ trợ cây giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc. Sau hơn 1 năm triển khai, qua đánh giá bước đầu cây ba kích phù hợp với chất đất ở đây...

Anh Đỗ Anh Dũng, cán bộ phụ trách mô hình cho biết: Sau hơn 1 năm trồng, đến nay cơ bản các cây đã có rễ củ. Cây ba kích có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác như keo, bạch đàn. Nếu trồng thâm canh thì cây sẽ phát triển tốt hơn và cho hiệu quả cao hơn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh ở xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (nay là tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn), TP Sông Công là một trong những hộ trồng ba kích nhiều nhất của dự án.

Với tổng diện tích 1,5ha trong đó có 3.000 gốc trồng theo dự án của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên và 2.500 gốc trồng theo dự án của kiểm lâm.

Khác với nhiều hộ dân ở đây, anh Chỉnh đã tận dụng diện tích trồng cây keo trước đó để đưa ba kích lên đồi trồng xen canh dưới tán keo vừa lấy bóng mát lại vừa tiết kiệm diện tích.

Ngoài ra, anh còn trồng xen canh với nhiều loại cây khác ở khu vực đất thấp hơn như chè, đỗ… Việc đưa cây ba kích lên trồng trên đất đồi cằn sỏi đá là cả một nỗ lực, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn mới vượt qua được khó khăn, anh Chỉnh chia sẻ.

Thông thường quy trình thu hoạch của cây ba kích kéo dài từ 5 – 7 năm, tuy nhiên nếu để càng lâu giá trị sẽ càng cao và dược tính của ba kích cũng tốt hơn. Anh Chỉnh cho biết, ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh đào hố sâu khi trồng khiến năng suất không cao và khó khăn cho việc thu hoạch.

 

Hơn nữa việc cắm dèo cho cây khiến cây bị đổ gẫy, đồng thời lúc mới trồng, cây thường chết vào vụ đông nhưng sau này khi có kinh nghiệm nên đã khắc phục được tình trạng trên.

Trong thời gian tới TP Sông Công hướng tới mở rộng mô hình này lên 20ha ở phường Châu Sơn và xã Bá Xuyên nhằm đem lại thu nhập cao hơn cho người dân..

Trong quá trình trồng cần chú ý đến việc bón lót và bón thúc cho cây để cây sinh trưởng phát triển tốt.

Bên cạnh đó, khi thời tiết khô hạn kéo dài loại cây này cần phải được tưới nước để đảm bảo đủ nước duy trì sự sống cho cây.

Khi cây ba kích đến kỳ thu hoạch trung bình đạt khoảng 4kg củ/gốc, như vậy với mỗi ha ba kích trung bình thu hoạch được khoảng 6 tấn củ. Với giá bán trung bình 200.000đ/kg, dự kiến gia đình anh Chỉnh thu về 400 triệu đồng/năm từ trồng ba kích.

Theo ông Ngô Quảng Bá – Trưởng phòng Kinh tế TP Sông Công: Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP Sông Công, Phòng đã tham mưu cho UBND TP Sông Công triển khai một số mô hình trong đó có mô hình cây ba kích tại xã Vinh Sơn, nay là phường Châu Sơn. Đây là một loại cây mới được trồng thử nghiệm trên địa bàn.

Bước đầu đánh giá đây là mô hình có nhiều triển vọng, bởi thực tế 1ha trồng keo chỉ thu được khoảng 60 – 80 triệu, nhưng 1ha ba kích tím có thể thu nhập gấp 2 – 3 lần. Đây là triển vọng rất tốt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất rừng ở địa bàn.


Số lượt đọc: 1016 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác