Tháo gỡ vướng mắc về bảo hiểm nông nghiệp tại Lâm Đồng
15/09/2020

Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đã làm việc với Agribank Lâm Đồng, Agribank Lâm Đồng II và Công ty CP bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) về những vướng mắc, kiến nghị của địa phương, qua đó đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn.

Mới đây, tại TP.Đà Lạt, ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và PTNT đã cùng đoàn công tác của Cục đã làm việc với Agribank Lâm Đồng, Agribank Lâm Đồng II và Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) nhằm triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại địa phương.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Thắng – Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng cho biết, Agribank Lâm Đồng là ngân hàng có quy mô hoạt động lớn nhất trên địa bàn với hơn 290 cán bộ cùng tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Đặc biệt, tổng quy mô của Agribank Lâm Đồng là khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn khoảng 11.000 tỷ đồng, dư nợ hơn 15.000 tỷ với tình hình kinh doanh ổn định, đời sống cán bộ, nhân viên ngày càng được nâng cao.

"Ngân hàng chúng tôi tập trung vào chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là cho vay về nông nghiệp, nông thôn, với hơn 13.000 tỷ, chiếm 87% dư nợ. Đặc biệt, chúng tôi cho vay xây dựng nông thôn mới với khoảng 8.600 tỷ đồng (chiếm 55% dư nợ). Hiện, chúng tôi đang cho vay theo chuỗi liên kết, Agribank Lâm Đồng đã tập trung khảo sát, tiếp cận các chuỗi liên kết để phát triển mảng này. Đối với bảo hiểm, chỉ trong 8 tháng năm 2020, doanh thu đã đạt hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng cá nhân chiếm tỷ lệ gần 80%. Tuy nhiên, bảo hiểm bò sữa chiếm tỷ lệ thấp với khoảng 400 con bò sữa có bảo hiểm", ông Thắng cho biết.

Nói về bảo hiểm nông nghiệp tại Lâm Đồng, ông Đỗ Minh Hoàng – Phó tổng Giám đốc ABIC cho hay, để phát triển loại hình bảo hiểm này, người chăn nuôi muốn vay vốn để nuôi bò nhưng vẫn phải có sổ đỏ để làm tài sản đảm bảo. Trong khi đó, bò có giá trị 40 – 50 triệu đồng mỗi con lại không được xem là tải sản đảm bảo. Vì vậy, khi có gói tín dụng về bảo hiểm sẽ bớt được thủ tục là sổ đỏ đi, người dân sẽ tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Ông Hoàng nhấn mạnh thêm: "Gói tín dụng và bảo hiểm phải có những chính sách cụ thể. Phải làm sao để gói tín dụng và bảo hiểm đó tham gia vào chuỗi liên kết, từ đó sẽ có nhiều ưu đãi về lãi suất, phí, khuyến mại. Phải làm sao để gói tín dụng đó tham gia vào chuỗi liên kết, từ đó sẽ có nhiều ưu đãi về lãi suất, phí, khuyến mại. Hơn nữa, hệ thống chính trị phải vào cuộc để triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Đặc biệt, các công ty bảo hiểm phải đẩy mạnh truyền thông với nhiều hình thức nhằm lan tỏa đến người dân làm nông nghiệp".

Phát biểu tại buổi làm việc, ông An Văn Khanh cho rằng, từ những ý kiến của các đơn vị, Cục sẽ tổng hợp để trình Bộ NNPTNT cho ý kiến, giải quyết trong thời gian tới. Lâm Đồng là địa phương có điều kiện lý tưởng để thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cả về trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài cơ chế chính sách theo quy định thì sự năng động của hệ thống cán bộ tại địa phương triển khai các gói sản phẩm bảo hiểm để người dân thấy thích, yên tâm, muốn mua thì đó là điều quan trọng nhất.

Điều cũng rất hợp lý và cần thiết trong thời gian tới là các đơn vị làm bảo hiểm phải áp dụng công nghệ để quản lý. Thủ tục phải rõ ràng, đơn giản để người dân thấy lợi ích từ việc mua bảo hiểm. Các gói sản phẩm của công ty bảo hiểm cũng cần đa dạng hóa để người dân lựa chọn. Từ đó, các tổ chức, cá nhân muốn mua bảo hiểm sẽ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.


Số lượt đọc: 756 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác