Trồng rau sạch thu trăm tỷ
04/01/2016

Lâm Đồng là một trong số ít tỉnh triển khai toàn diện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, sau hơn mười năm, Lâm Đồng được đánh giá đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

HTX doanh thu hàng trăm tỷ/năm từ rau sạch Bắt đầu từ 2004, người trồng rau ở Lâm Đồng được tiếp cận với nhiều kỹ thuật canh tác mới; nhiều khái niệm mới như rau sạch, rau an toàn, rau tiêu chuẩn… cũng dần xuất hiện. Và chỉ không bao lâu sau, cách làm rau kiểu “truyền thống” đã bị loại bỏ, chất lượng rau của Lâm Đồng đã dần được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt, nhiều nông dân từ “chân đất” đã vươn lên trở thành những “ông chủ”, những “đại gia”. Anh Nguyễn Công Thừa (42 tuổi) hiện là chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào. Anh Đào được biết đến là HTX hàng đầu về sản xuất rau sạch của TP Đà Lạt, có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nguyễn Công Thừa ngay từ khi mới sinh ra đã gắn bó với nghề trồng rau bởi bố mẹ anh là người lấy nghề trồng rau làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ và do giá cả thị trường rau Đà Lạt những năm trước đây khá bấp bênh nên cuộc sống của gia đình anh Thừa khó khổ vẫn hoàn khó khổ. Nghĩ đến cảnh khốn khó của gia đình rồi nhớ lại cảnh bản thân phải mang từng gánh rau ra chợ Đà Lạt từ tờ mờ sáng để nhập cho các thương lái, Nguyễn Công Thừa đã đi đến một quyết định khá táo bạo. Năm 1999, anh vận động thêm 3 người khác hùn vốn để thành lập tổ liên kết sản xuất rau với “lưng vốn” 7ha đất sản xuất. Bước đầu, tổ liên kết làm ăn không mấy hiệu quả. Năm 2003, Nguyễn Công Thừa tiếp tục vận động một số người khác cùng hùn vốn tổng cộng góp được 100 triệu đồng và 12ha đất để cho ra đời HTX Anh Đào. Ngay sau đó – 2004, khi ngành chức năng TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đưa ra chương trình sản xuất rau an toàn và Nguyễn Công Thừa với tư cách là chủ nhiệm HTX đã vận động các xã viên chuyển hướng sản xuất theo cách làm mới này. Bắt đầu từ đó, thành công nối tiếp thành công, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM tìm đến HTX Anh Đào để ký hợp đồng tiêu thụ rau sạch. Đến lúc này, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào có đến hơn 70ha đất sản xuất, hơn 50 sản phẩm hàng hóa rau các loại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX cung cấp cho thị trường từ 50.000 – 60.000 tấn rau mỗi năm, bao phủ toàn bộ các tỉnh thành trong cả nước và một số nước trên thế giới, là HTX đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được cấp chứng nhận thương hiệu “Rau Đà Lạt”, đạt doanh thu bình quân mỗi năm hơn 150 tỷ đồng (năm 2014 đạt mức 190 tỷ đồng và dự kiến năm 2015 đạt khoảng 220 tỷ đồng). Người Nhật làm rau trên cao nguyên Thời gian gần đây, ở Lâm Đồng “nổi” lên chuyện “làng thần kỳ” Nhật Bản đang được xây dựng tại xã Lát, huyện Lạc Dương. Nói thêm về “làng thần kỳ” Nhật Bản: Từ một vùng đất khô cằn, nông dân đã biến nơi này thành một vùng sản xuất rau sạch cung cấp cho cả Nhật Bản; và người ta đã gọi vùng đất ấy – vùng đất có tên là Kawakami Mủa là “làng thần kỳ” của Nhật. Cuối năm 2013, Masahito và Takaya Hanaoka của “làng thần kỳ” Nhật Bản thông qua kết nối của một quỹ đầu tư đã đến Đà Lạt – Lâm Đồng tìm hiểu về các điều kiện nhằm triển khai mô hình sản xuất rau sạch theo kiểu Nhật – mô hình “làng thần kỳ”. Tại Đà Lạt, hai người Nhật này đã tìm được đối tác là Công ty An Phú Đà Lạt và trên cơ sở đó, liên doanh Công ty An Phú Lacue đã ra đời. Đầu năm 2014, 13 giống rau đã được An Phú Lacue đưa vào trồng khảo nghiệm trên diện tích đất liên doanh tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20km. Đại diện của liên doanh An Phú Lacue cho biết: “Liên doanh của chúng tôi kéo dài trong 20 năm. Phía An Phú Đà Lạt góp 25% vốn và đất canh tác, còn phía Nhật góp 75% vốn và công nghệ. Điều đặc biệt, liên doanh An Phú Lacue sẽ lấy cây xà lách Mỹ làm cây trồng chủ đạo với công nghệ Nhật Bản theo mô hình “làng thần kỳ” của Nhật”. Điều đáng nói là sau 70 ngày trồng, ngay từ lứa rau đầu tiên (nhất là với rau xà lách Mỹ giống nhập ngoại lần đầu và cũng là sản phẩm lần đầu được làm ra từ công nghệ Nhật Bản) của Công ty An Phú Lacue đã được thị trường trong nước đón nhận một cách không e dè. Cũng cần nói thêm, liên doanh Công ty An Phú Lacue ra đời có sự đóng góp không nhỏ của ông Hironori Tsuchiya – Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam. Năm 2012, ông Hironori Tsuchiya đã nhiều lần đến Đà Lạt với mục đích tìm hiểu về khí hậu, đất đai… để có thể triển khai tại đây một mô hình trồng rau sạch theo công nghệ Nhật Bản. Sau các chuyến đi tìm hiểu tại Đà Lạt, ông Hirinori Tsuchiya đã trở về Nhật Bản và tìm đến “làng thần kỳ” Kawakami Mura. Tại “làng thần kỳ” Nhật Bản, ông đã gặp được hai ông chủ trẻ của Công ty Lacue thuộc làng là Masahito 34 tuổi và Takaya Hanaoka 35 tuổi (nên liên doanh tại Đà Lạt có tên là An Phú Lacue). Hiện ông Hirinori Tsuchiya còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty An Phú Lacue. Với vụ rau sạch theo công nghệ Nhật Bản đầu tiên, ông Chủ tịch HĐQT An Phú Lacue nói: “Tôi thực sự vui vì lứa rau đầu tiên của liên doanh đã thu được một kết quả tốt đẹp. Hy vọng, mô hình “làng thần kỳ” Nhật Bản sẽ thành công trên đất Đà Lạt – Lâm Đồng. Sắp đến, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động của An Phú Lacue ra với quy mô lớn hơn và hy vọng đóng góp một mô hình sản xuất rau tiên tiến công nghệ Nhật Bản cho vùng rau sạch Đà Lạt”. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm rau sạch của An Phú Lacue đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và còn cung cấp cho cả các siêu thị của Nhật Bản và Campuchia. Để chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài, An Phú Lacue còn có kế hoạch đưa công nhân Việt Nam sang thực tập ở “làng thần kỳ” Nhật Bản, tiến hành liên kết với nông dân trong vùng sản xuất rau theo công nghệ của Nhật với diện tích khoảng 20ha. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích rau an toàn của Lâm Đồng sẽ được sản xuất tập trung tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng với diện tích khoảng 12.500ha – chiếm 77,5% tổng diện tích rau toàn tỉnh. Trong đó, nhóm rau ăn quả (cà chua, ớt ngọt, dưa chuột…) chiếm 3.375ha, nhóm rau ăn lá (bắp cải, cải xanh, bó xôi…) 6.000ha, nhóm rau ăn hoa (súp lơ, atiso…) 625ha và nhóm rau ăn củ (khoai tây, củ dền, cà rốt…) chiếm 2.500ha.

Để rau sạch Đà Lạt ngày càng được sạch hơn, Lâm Đồng sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tiếp tục phổ biến cho người dân về tác hại và cách nhận biết các nhóm độc tố thường gặp trong các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người sản xuất rau chủ động không sử dụng. Cùng đó, trong canh tác rau an toàn, Lâm Đồng tiếp tục áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hợp lý theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách); áp dụng kỹ thuật nhà lưới, màng phủ đất, thủy canh, tưới tiết kiệm… để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Về vốn để thực hiện quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh đến năm 2020, Lâm Đồng đã đưa ra con số khá thuyết phục: 636 tỷ 920 triệu đồng. Trong đó, vốn của dự án QSEAP (nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp) chiếm 160 tỷ đồng, đóng góp của nhân dân 35 tỷ 950 triệu đồng, vay 30 tỷ đồng và vốn ngân sách cùng các nguồn khác chiếm 410 tỷ 970 triệu đồng. 


Số lượt đọc: 1666 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác