UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2024 lên đến 550 ha trước nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh.
Quýt hồng ở huyện Lai Vung là cây đặc sản ở ĐBSCL vì có màu sắc đẹp, ăn ngon và đặc biệt là thu hoạch ngay dịp Tết Nguyên đán nên được người tiêu rất ưa chuộng. Dù quýt hồng Lai Vung mang lại hiệu quả kinh tế cao khoảng 500 triệu đồng/ha/vụ, nhưng gần đây hàng loạt nhà vườn lao đao bởi tình trạng cây chết tràn lan gây thiệt hại lớn.
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết: Hiện tượng chết vàng, chết xanh trên cây có múi lan rộng hơn 2.069 ha, chiếm gần 36% tổng diện tích cây có múi ở huyện. Cụ thể, quýt hồng bị nhiễm bệnh gần 338/839 ha (chiếm hơn 40%), trong đó khoảng 238 ha thiệt hại từ 20 - 40%, số còn lại thiệt hại 50 - 100%.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Trước mắt UBND tỉnh lên đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung. Sở NN-PTNT tỉnh cùng địa phương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền, giải pháp về cơ giới hóa sản xuất, kỹ thuật canh tác, sản xuất và cung ứng giống; giải pháp về sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.
Theo đó, bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc dự án tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long, bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.
Phấn đấu đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt 546,63 ha, trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71 ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92 ha.
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.056ha cây có múi, trong đó huyện Lai Vung là 5.215ha (chiếm 65% diện tích), năm 2017, bệnh vàng lá không giảm nhưng đáng lo nhất là từ đầu năm 2018 đến nay bệnh làm chết cây tràn lan khiến nhiều nông dân khốn đốn.
Để bảo tồn tốt diện tích quýt hồng, ngành nông nghiệp Đồng Tháp khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ là phân ủ từ rơm rạ với phân bò, có sử dụng nấm đối kháng Trichoderma được áp dụng thành công trong 5 mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây có múi tại huyện Lai Vung. Hoặc có thể sử dụng một số phân hữu cơ khác có nguồn gốc tương tự được sản xuất từ xác động, thực vật, phân chuồng hoai mục phối trộn với Trichoderma chuyên dụng.
Theo ông Hùng, xuất phát từ yêu cầu vực dậy ngành hàng quýt hồng từng một thời đóng góp lớn cho GDP của huyện Lai Vung và cũng nhằm duy trì phát triển loại trái cây đặc sản được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nên việc xây dựng “Đề án bảo tồn quýt Hồng huyện Lai Vung” là rất cấp thiết. Từ đó góp phần giữ vững diện tích và tăng thu nhập bình quân cho nông dân, giúp Lai Vung nhanh chóng đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới theo đăng ký trong những năm sắp tới.
- Bưởi Phúc Trạch 'bén duyên' vùng thượng Kỳ Anh (16/10/2020)
- Thơm, giòn hồng không hạt Vũ Quang (16/10/2020)
- Thử nghiệm trồng giống xà lách Mỹ có vị ngọt đậm, giòn (16/10/2020)
- Hiệu quả dùng màng phủ passlite cho rau an toàn (16/10/2020)
- Sản xuất giống lúa chất lượng cao tại Hải Dương (16/10/2020)
- Lên núi trồng cây dược liệu an xoa (16/10/2020)
- Trồng mai chỉ thiên đắt khách (16/10/2020)
- Lão nông khát vọng nâng tầm trái cây Việt (16/10/2020)
- Yên Nghĩa có 6 sản phẩm rau an toàn đạt 3 sao OCOP (15/09/2020)
- Bưởi Phúc Trạch 'bén duyên' vùng thượng Kỳ Anh (01/09/2020)