Nông dân hiến kế cách ‘sống khỏe’ với cây tiêu
07/12/2020

Cùng với giá thấp, bệnh chết nhanh chết chậm là nỗi kinh hoàng đối với người trồng tiêu. Vậy nhưng, nhiều hộ dân và HTX trồng tiêu vẫn sống khỏe, vì sao?

Nhà nông hiến kế

Thời gian qua, bầu không khí u ám vây lấy ngành hồ tiêu, nhiều hộ nông dân cũng vì thế mà lâm vào tình cảnh khó khăn. Thế nhưng, gia đình chị Phan Thị Như ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp thì khác hoàn toàn, vẫn có của ăn của để nhờ cây hồ tiêu.

Trong ánh nắng vàng, vườn hồ tiêu của chị Như vẫn xanh ngắt, căng đầy sức sống, khác biệt với những vườn tiêu chết la liệt ở quanh vùng. Theo chị Như, điều làm nên sự khác biệt đó là vườn hồ tiêu của gia đình chị được sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ.

Chị Như chia sẻ, để sản xuất hữu cơ, trước hết, người trồng tiêu bắt buộc phải sử dụng trụ sống, tự ủ phân chuồng để bón cho cây trồng hoặc sử dụng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây tiêu, trong đó nấm Trichoderma được xem là khắc tinh của nấm Phytophthora một trong những tác nhân chính gây ra bệnh thối cổ rễ, chết nhanh chết chậm trên cây tiêu cần phải được sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, đối với việc làm cỏ, người nông dân chỉ được cắt tỉa thủ công chứ không được phun thuốc diệt cỏ nhằm bảo vệ các vi sinh vật có lợi trong đất.

“Nhờ phát triển vườn hồ tiêu hữu cơ đã giúp tôi giảm bớt được chi phí đầu tư, trung bình chi phí dành cho mỗi trụ tiêu hiện chỉ khoảng 30.000 đồng/năm, trong khi năng suất vẫn đạt gần 2 tấn/ha, nếu giá tiêu từ 35.000 đồng/kg trở lên là tôi đã có lãi. Tuy nhiên, điều tôi tâm đắc nhất là trả lại được hệ sinh thái cho đất, cho môi trường, nguồn nước”, chị Như phấn khởi nói.

Tương tự, tại huyện Phú Riềng, trong khi phần lớn hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện đang bỏ bê vườn rẫy vì không có khả năng chăm sóc, thế nhưng chỉ với công thức cực kỳ đơn giản là hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, xử lý đất thông thoáng, thoát nước tốt, kết hợp trồng cỏ đậu trên các luống tiêu, gia đình anh Dương Văn Tú ở thôn 4, xã Long Bình đã giải được bài toán khó.

Anh Tú chia sẻ, với quyết tâm lựa chọn tiêu làm cây chủ lực cho kinh tế gia đình, mỗi lần thất bại anh lại rút ra bài học. Và chỉ sau vài năm, gia đình anh tìm ra từ khóa cho đáp án. “Rút kinh nghiệm nhiều lần, trước khi trồng tiêu, tôi xử lý đất bằng cách đánh tơi cho đất thoáng, để một thời gian rồi trồng khoảng 2 lứa đậu. Đất trồng đậu tơi xốp, thoáng như được giải độc, tiêu không bị chết nữa, nhờ vậy, hơn 10.000 trụ tiêu của gia đình vẫn phát triển ổn định bất chấp dịch bệnh bùng phát trong vùng”, anh Tú phấn khởi nói.

Mang theo niềm vui từ mô hình gia đình chị Như, anh Tú, chúng tôi tiếp tục đến thăm HTX tiêu sạch, bền vững Hưng Phước (Bù Đốp). Với nền tảng trên 100 ha hồ tiêu của 80 xã viên được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, HTX Hưng Phước đã được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Bùi Quốc Hay - Giám đốc HTX cho biết, sản xuất hồ tiêu sạch buộc người trồng phải thực hiện nghiêm ngặt từ khâu dọn vườn, cắt tỉa, bón phân, chăm sóc cho đến thu hoạch... Theo đó, người trồng chủ yếu dùng phân hữu cơ, hạn chế phân bón hóa học nên tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, đặc biệt hầu hết vườn tiêu của xã viên đều sinh trưởng phát triển tốt.

Ông Hay cho biết thêm, có thời điểm tiêu dưới 40.000 đồng/kg, nhưng xã viên trong HTX vẫn có lời vì được Công ty hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật và bao tiêu về giá. “Sản xuất hồ tiêu sạch được xem là cuộc "cách mạng" nhằm duy trì sản xuất, cải thiện thu nhập của xã viên trong HTX”, ông Hay nhấn mạnh.

Ngành chức năng khuyến cáo

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên 2.600 ha hồ tiêu bị chết, trong đó nhiều vườn tiêu chết từ 30 – 100%, trong đó, huyện Bù Gia Mập bị thiệt hại nặng nhất với  khoảng 1.104 ha, huyện Bù Đốp 150 ha… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt, trong đó, việc tiêu rớt giá, người dân không mặn mà chăm sóc dẫn đến nấm Phytophthora phát triển mạnh khiến bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát là một trong những nguyên nhân chính.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, nấm Phytophthora thường phát triển mạnh vào mùa mưa, triệu chứng ban đầu của bệnh này là các chóp rễ bị biến màu nâu nhạt, sau đó chuyển thành màu nâu đen, mép lá hơi co lại và chuyển màu vàng trước khi rụng. Còn mạch dẫn của thân cây tiêu thì bị thâm đen. Cây tiêu héo rất nhanh chỉ sau 1 đến 2 tuần dù thân cây còn bám dính vào trụ nhưng cây vẫn chết khô.

Ông Phương khuyến cáo, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hiện đang vào mùa mưa, bà con cần phải phá bồn giữ nước quanh gốc để chống nước đọng lại. Những vườn tiêu trồng lại trên đất tiêu đã chết cần xử lý đất tốt bằng vôi bột và thuốc trừ tuyến trùng. Trước khi trồng lại tiêu, người dân cần phải bón chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất. Đồng thời, bà con cần chú trọng bón phân hữu cơ, xác thực vật vào gốc cây để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa có tác dụng giữ ẩm vào mùa khô, phát huy hệ sinh vật có ích và hạn chế bệnh dịch. 

“Đối với những trụ tiêu bị nhiễm bệnh cần xử lý bằng thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin kết hợp Difenoconazole, Phosphorous acid,… Còn những trụ tiêu bị bệnh nặng, người dân cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học khi trồng lại”, ông Phương nhấn mạnh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã xin chủ trương của thường trực Tỉnh ủy hỗ trợ. Theo đó, với tổng diện tích 2.600 ha tương đương 2,86 triệu nọc theo mật độ 1.100 nọc/ha, các đối tượng có diện tích vườn tiêu bị thiệt hại trên 50% trong giai đoạn 2017 đến 2019 định mức hỗ trợ 20%, tương đương 10.000 đồng/nọc, dự kiến tổng kinh phí sẽ hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng .

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước Trần Văn Lộc đề nghị, các địa phương khẩn trương rà soát kỹ diện tích hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh đã chết từ năm 2017 đến 2019 để làm cơ sở xin chủ trương thường trực Tỉnh ủy hỗ trợ cho những vườn tiêu bị thiệt hại.


 


Số lượt đọc: 815 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác