Nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết, hướng phát triển bền vững
07/12/2020

Sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết đã được các nước phát triển áp dụng từ lâu. Việt Nam cũng đang đi theo hướng này và cho thấy hiệu quả cao, bền vững.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp diễn ra ngày 25/11 tại Bình Phước, chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam nói chung và phía Nam nói riêng có những bước phát triển mạnh.

Những năm qua, số lượng gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 10%. Sản lượng thịt hơi gia cầm đạt trên 1,3 triệu tấn, trứng đạt trên 13 tỷ quả. Đạt được thành quả đó là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao...

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng thường trực khu vực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chăn nuôi gia cầm cần phải có định hướng và các giải pháp để phát triển bền vững.

Một trong những giải pháp căn cơ là sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Cụ thể là liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang) và liên kết theo đường đi của sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng (liên kết dọc).

Chuỗi liên kết ngang là liên kết giữa các tác nhân trong một công đoạn của chuỗi giá trị. Đây là hình thức liên kết ở cấp độ thấp, quy mô sản xuất nhỏ, mô hình liên kết này thường là liên kết của các hộ chăn nuôi, giết mổ trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ...

Trong khi đó, chuỗi liên kết dọc ở cấp độ cao hơn, là sự liên kết của các tác nhân tham gia vào các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là chuỗi liên kết phổ biến và rất hiệu quả hiện nay. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, quyết định sự thành công của chuỗi liên kết. Liên kết dọc do nhiều chủ thể (doanh nghiệp, HTX, hộ...) là phổ biến nhất hiện nay trong chăn nuôi, vừa đáp ứng được mục đích kinh tế vừa đạt mục tiêu xã hội, nhất là sinh kế của người chăn nuôi nông hộ, vốn là đặc trưng của chăn nuôi Việt Nam.

 

Những năm qua, nhiều chuỗi liên kết doanh nghiệp với nông dân đã phát huy hiệu quả cao, như chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn của Công ty CP Việt Nam với nông dân.

Theo đó, CP Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật của hộ gia công. Thu hồi sản phẩm và thanh toán tiền nuôi gia công theo kết quả chăn nuôi của hộ gia công. Người nông dân được cấp vốn đầu tư chuồng trại, được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt là người nuôi không phải chịu rủi ro về giá cả, nhờ đó duy trì được tổng đàn trong những bối cảnh thị trường bất lợi.

Người nông dân tham gia chuỗi, ngoài việc nhận được kỹ thuật chăn nuôi, còn tiếp thu được kinh nghiệm và kỹ thuật, có thể tự sản xuất độc lập sau khi hết hạn hợp đồng chăn nuôi gia công. Nắm được kỹ thuật xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như chuỗi cửa hàng “CP-Shop, Năm Sao”. Điển hình là trang trại của ông Đoàn Văn Viên ở thôn Bình Minh, xã Ea Pô huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, với quy mô 40 nghìn con, lãi ròng 200 triệu/lứa (4 lứa/năm).

Chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn của Công ty De Heus với nông dân. Điển hình là trang trại Hoành Văn Linh ở xã Tân Quan, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước với quy mô 30.000 con gà thịt. Trang trại có 2 dãy chuồng (2000m2/01 dãy), chuồng lạnh, khép kín. Trang trại được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh (Newcastle và cúm gia cầm). Giữa trang trại và công ty đã ký kết hợp đồng thỏa thuận bao tiêu với giá cố định (đảm bảo trang trại không bị lỗ kể cả khi giá cả trị trường có nhiều biến động).

Trong 10 năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai 28 dự án và nhiệm vụ khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với 11.431 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 17.095 lượt nông dân. Thông qua các mô hình, nông dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 15% so với chăn nuôi đại trà. 

 


Số lượt đọc: 896 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác