Khuyến nông - Cầu nối người nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học
07/12/2020

Chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học ngoài đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mà còn để sản phẩm gia cầm có chỗ đứng trong những thị trường khó tính.

Tại Bình Định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Bình Định vừa tổ chức hội thảo nhằm chuyển tải kỹ thuật quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm. 

Theo Cục Chăn nuôi, trong những năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam phát triển rất nhanh, tăng cả quy mô lẫn giá trị. Bình quân tăng trưởng của sản phẩm ngành gia cầm ở Việt Nam gồm thịt và trứng trong những năm qua đạt 6-8%, về giá trị tăng từ 5-7%.

Hiện nay, phát triển của ngành gia cầm đứng thứ 2 trong chăn nuôi của nước ta, chỉ sau chăn nuôi lợn. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, các chỉ tiêu năng suất trong ngành gia cầm của nước ta trong chăn nuôi công nghiệp và trang trại chẳng thua kém các nước trong khu vực.

“Tuy nhiên, so mặt bằng ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam với  các nước trong khu vực thì nước ta còn ở mức thấp, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Một trong những thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi gia cầm là dịch bệnh. Những năm qua, ngoài dịch cúm gia cầm xảy ra từ năm 2003 đến nay mà một số địa phương chưa khống chế được triệt để thì một số bệnh khác phát tác uy hiếp đàn gia cầm. Đó là sự ngáng trở lớn nhất cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi gia cầm”, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam bộc bạch.

Để khắc phục thực trạng trên, theo bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong các giải pháp về kỹ thuật thì giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là quan trọng hàng đầu. Bởi, qua thực tiễn trong những năm qua cho thấy, những cơ sở và trang trại chăn nuôi gia cầm thực hiện tốt an toàn sinh học thì khống chế được dịch bệnh.

“Đáng quan ngại nhất là hiện ở nước ta có đến 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ đang rất cần kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thế nhưng do thiếu điều kiện nên chưa tiếp cận được. Từ năm 2015 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tham gia thực hiện dự án giảm thiểu rủi ro và các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị EPT2-OSRO/VIE/402/USA.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, giúp người chăn nuôi nắm bắt thông tin và thay đổi nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia cầm hiệu quả nhất. Đặc biệt là đối với các bệnh nguy hiểm lây truyền giữa người và động vật”, bà Hà Thúy Hạnh cho biết.

Cũng theo bà Hạnh, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với FAO tổ chức 26 lớp TOT cho 500 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên môn các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, trong đó có trên 42 học viên đã được lựa chọn làm giảng viên nguồn về thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm để tập huấn lại cho người chăn nuôi.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 2 diễn đàn nâng cao nhận thức về quản lý vịt chạy đồng xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Xây dựng 1 số công cụ truyền thông về giảm thiểu nguy cơ đối với dịch cúm gia cầm; 1 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về mô hình cải thiện điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi và 1 diễn đàn về sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm”, bà Hà Thúy Hạnh cho biết thêm.


 


Số lượt đọc: 871 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác