Bảo vệ diện tích
lúa ĐX chưa thu hoạch, bảo vệ vườn cây ăn trái, triển khai kế hoạch sản
xuất vụ hè thu, mùa ở ĐNB và ĐBSCL là nội dung cuộc họp do Bộ
NN-PTNT tổ chức mới đây tại Tiền Giang....
Thận trọng vụ hè thu 2016 Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã quyết định bỏ vụ hè thu. Ông Trần Trung Hiền, GĐ Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho biết, vụ ĐX 2015-2016 của tỉnh này đã mất khoảng 60.000 tấn lúa do hạn, mặn. Để tránh cho sản xuất lúa những vụ tới không bị ảnh hưởng hạn, mặn, đa số các huyện (nhất là các huyện ven biển) đã quyết định bỏ vụ HT chính vụ. Thay vào đó, Trà Vinh sẽ chuyển sang cơ cấu 2 vụ ăn chắc là HT muộn và ĐX sớm. Tuy nhiên, ở những vùng chủ động tưới cũng chỉ cố gắng hoàn tất xuống giống vụ hè thu muộn trong tháng 6 để tránh làm trễ vụ ĐX sớm. Còn vùng chờ mưa xuống, khó khăn về nước ngọt phải chấp nhận né tránh, thích nghi với tình hình mới: Nếu mưa xuống sớm, lấy nước ngọt thuận lợi, sẽ sản xuất vụ HT muộn. Bài học năm 2015 cho thấy do xuống lúa HT quá muộn làm trễ các vụ khác, khiến cho vụ ĐX 2015-2016 bị ảnh hưởng, vì chỉ cần vụ này được xuống giống sớm 15 ngày là đã không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn cuối vụ. Thực tế cho thấy ở một số địa phương, nông dân đã xuống giống HT khi mà xâm nhập mặn vẫn còn gay gắt, khiến cho đã có nhiều diện tích bị ảnh hưởng. Như ở Sóc Trăng, nông dân đã xuống giống có 44.847 ha lúa HT sớm, trong đó 4.156 ha đã bị ảnh hưởng hạn, mặn. Dự tính trong cả tháng 3 này, sẽ có 15.000 ha lúa HT sớm ở Sóc Trăng bị thiếu nước tưới. Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), cho hay, trong vụ HT 2016, với tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, toàn ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực. Do vậy, cần bố trí thời vụ như sau: Xuống giống bắt đầu khi có mưa (dự báo khoảng nửa đầu tháng 6 dương lịch) tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển thuộc các tỉnh Long An (phía nam), Tiền Giang (phía đông), Bến Tre (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú), Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau, với diện tích khoảng 350.000 ha; Thời vụ cần tập trung trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía nam QL1 cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long (Măng Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn), Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long), với diện tích khoảng 150.000 ha; thời vụ xuống giống trong tháng 4 đầu tháng 5 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười, một phần Tứ giác Long Xuyên, Cần Thơ và Hậu Giang…, với diện tích khoảng 1 triệu ha. Lo vườn cây ăn trái Đến thời điểm này, nước mặn đã đe dọa hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng tới năng suất của nhiều vùng trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Ở Trà Vinh, đã có khoảng 4.000ha cây ăn trái bị giảm năng suất do thiếu nước ngọt để tưới. Theo ông Phạm Anh Tuấn, PCT UBND tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã bắt đầu uy hiếp vùng trồng cây ăn trái ở các huyện phía tây của tỉnh này. Ông Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện CĂQ Miền Nam, cho hay, nước mặn đã xâm nhập đến hầu hết những vùng trồng cây ăn trái tập trung ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng… Trước tình hình đó, bảo vệ vườn cây ăn trái ở ĐBSCL đang là một yêu cầu cấp thiết. Các nhà vườn nên áp dụng những giải pháp sau: Củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn trong những tháng nước mặn; Dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn quả trong những tháng nước mặn, hoặc dự trữ trong những túi nilon dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn; hạn chế tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi nồng độ mặn > 2‰, đối với một số loại cây mẫn cảm với mặn thì không tưới khi nồng độ mặn > 1‰; để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu nước của cây, nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này; Không nên xử lý câu ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái; tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…; tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+… ; Bón phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây; không nên bón phân có chứa Natri và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây; có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, magiê, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đỗ ngã, các ion này có khả năng điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thu và vận chuyển Na+, Cl- từ rễ vào thân cây, do đó gia tăng khả năng chống chịu mặn; Phun các chế phẩm có chứa các acid amin như Proline để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn; thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn hoặc lấy nước vào vườn....
Lúa chết vì hạn mặn
Ông Đặng Văn Dũng, PGĐ Đài KTTV khu vực Nam Bộ: Mùa mưa năm nay ở Nam bộ sẽ bắt đầu muộn hơn TBNN, dự báo từ 20 tháng 5 đến đầu tháng 6. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 có thể có mưa chuyển mùa rải rác ở một số nơi, nhưng lượng mưa ít, nên khô hạn phải cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 mới cải thiện được. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Trước hết, các tỉnh, TP ở ĐBSCL phải tiếp tục, quyết liệt bảo vệ diện tích lúa ĐX 2015-2016 chưa thu hoạch, vì diện tích này hiện vẫn còn nhiều. Đồng thời chúng ta phải tìm ngay giải pháp bảo đảm an toàn cho vụ hè thu và thu đông. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là cố gắng, chủ động đẩy mạnh sản xuất vụ hè thu và vụ thu đông, để bù lại thiệt hại từ việc giảm sản lượng vụ ĐX 2015-2016. Nhất là khi giá lúa gạo hiện đang tốt, do Thái Lan bị giảm mạnh về sản lượng. Nhưng yêu cầu đặt ra là làm những vụ này phải đảm bảo an toàn. Vì vậy, phải xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, khoa học và khả thi cho các vụ hè thu, thu đông, nhất là những vùng bị nhiễm mặn. Những vùng này chi xuống giống khi đất đã được rửa mặn, có nước ngọt. GS.TS Tăng Đức Thắng, PGĐ Viện KH Thủy lợi Việt Nam cho biết: Từ nay đến hết tháng 4, căn cứ vào tình hình xâm nhập mặn (có tính tới xả nước ngọt ở thượng lưu sông Mekong), khả năng lấy nước ngọt trên các sông ĐBSCL như sau: Trên sông Vàm Cỏ Tây, phía trên TP Tân An (Long An), có thể lấy nước (độ mặn thấp) lúc triều thấp, chân triều, trong tháng 4 nước ngọt có khả năng kéo dài đến cuối tháng; trên sông Vàm Cỏ Đông, tại Bến Lức (Long An) khó có khả năng lấy nước ngọt đến hết tháng 4, phía trên Bến Lức 15-20 km có thể xuất hiện nước ngọt cùng kỳ với tại Tân An; vùng cử a sông Cửu Long, từ nay đến 12-14/4, vùng cách biển 35-40 km có ngọt khi triều thấp, chân triều; từ 12-14/4 đến 23-25/4, do mặn giảm nhanh nên nguồn ngọt xuất hiện khá dồi dào, vùng cách biển 25-40 km có thể lấy được nước ngọt (nhất là khi triều thấp), sau đó mặn có khả năng biến đổi phức tạp và có khả năng tăng mạnh trong tháng 5. Nhìn chung, trong tháng 4, các tỉnh ven biển ĐBSCL sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều ở vùng cách biển 25-40 km. Để tận dụng nguồn ngọt này, các địa phương cần tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt, trong đó đặc biệt chú ý là mở các cống (ở các hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít...), bơm..., khi nước ngọt xuất hiện. Nếu lấy và trữ nước ngọt tốt, có thể sử dụng cho đến tháng 6, tháng 7. Lũ ở ĐBSCL đang có xu hướng giảm về cường độ nhưng vụ thu đông năm nay vẫn phải cảnh giác với lũ, vì sau El Nino thường xuất hiện La Nina, nên có khả năng xảy ra một mùa lũ lớn trong năm nay. Những vùng nào nhờ có đê bao mà đã sản xuất lúa thu đông an toàn trong mùa lũ 2011 (tương đối lớn) thì có thể yên tâm sản xuất lúa thu đông năm nay, nhưng phải quan tâm tu bổ nâng cấp đê bao đã bị xuống cấp qua nhiều năm
- Mô hình mới: Trồng đinh lăng thương phẩm ở Xuyên Mộc (20/09/2017)
- Vén màn bí mật bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu (20/09/2017)
- KỸ THUẬT TRỒNG NẤM RƠM (18/08/2017)
- VPA cảnh báo việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại Hồ tiêu trong nước (11/08/2017)
- Cám gạo - Phần quý giá của hạt gạo đang bị bỏ phí (07/06/2017)
- Chăm sóc vườn hồ tiêu trong mùa mưa (07/06/2017)
- Kỹ thuật trồng rau dền khoang tại nhà (07/06/2017)
- Tự trồng dâu tây tại nhà hiệu quả (07/06/2017)
- Xứ dừa Bến Tre phải… nhập khẩu dừa (23/05/2017)
- Gạo Việt thua thiệt vì ám ảnh... cứu đói (20/03/2017)