KỸ THUẬT TRỒNG NẤM RƠM
18/08/2017

Cứ mỗi tấn rơm ra trồng nấm nói chung trừ chi phí trong thời gian 15 – 20 ngày có thể lãi từ 500.000 – 700.000 đồng. Bã sau khi trồng nấm chế biến thành phân sinh học cao cấp. Ngoài ra, bã nấm còn dùng để nuôi trùn đất, lấy trùn nuôi gia cầm, gia súc và tôm, cá.

.Thời vụ trồng nấm rơm:

Nấm rơm có thể trồng được quanh năm. Mùa Đông Xuân, giáp Tết Nguyên đán, có gió lạnh thì phải chắn gió, giữ ấm và làm mô nấm lớn hơn. Mùa mưa cần làm mái che hoặc tủ rơm dầy hơn để giảm độ ẩm, làm nền mô cao để tránh ngập úng. Ở những nơi có nhiều gió, gió mạnh cần làm rào chắn gió, bố trí các mô nấm thẳng góc với hướng gió.

2.Chuẩn bị rơm cho việc trồng nấm:

Cách ủ rơm thành đống có thể áp dụng được cho cả rơm tươi và khô. Các bước tiến hành như sau:

– Rơm được chất thành đống, chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m. Khi chất đống, cứ mỗi lớp rơm cao 20-30cm tưới nước để cho rơm thấm đều và dùng chân dậm cho dẽ, tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5m. Sau đó lấy nylon, rơm khô hoặc lá chuối tủ chung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Vài ngày sau khi ủ, nhiệt độ trong đống ủ lên cao khoảng 60- 70 độ C. Nhiệt độ sẽ làm chết các mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm rạ, giúp cho nấm rơm dễ hấp thu chất dinh dưỡng, phát triển thuận lợi sau này.Sau khi ủ rơm từ 10-12 ngày, khi đó đống rơm ủ xẹp xuống, chiều cao khoảng 0,8-1,0m. Lúc này có thể đem rơm chất ra luống.
– Cách xử lý nước vôi trước khi ủ. Cách này được áp dụng cho rơm, rạ đã khô. Rơm, rạ được nhúng vào nước vôi, pha với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước. Ngâm rơm vừa đủ ngập. Mục đích diệt nấm tạp, tẩy rửa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ.Thời gian ngâm trong nước vôi từ 20-30 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước, chất thành đống với chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m. Cần dậm nhẹ cho dẽ, lấy nylon, rơm hoặc lá chuối tủ quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt.

– Thời gian ủ 5-6 ngày: Trong thời gian đầu, sau khi chất đống 2-3 ngày, trở rơm một lần. Nếu rơm quá ướt, cần giảm bớt dụng cụ đậy bên ngoài. Nếu rơm bị khô, cần bổ sung thêm nước vôi với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước, tưới vừa đủ.Đến ngày thứ 5-6 kiểm tra lại đống rơm. Rơm đủ ướt, khi vắt vài cọng thấy có nước nhỏ vài giọt là tốt nhất.
Rơm đã đủ điều kiện để chất nấm phải đạt yêu cầu:
– Rơm rạ mềm hẳn.
– Có màu vàng tươi.
– Có mùi thơm đặc trưng của rơm rạ khi lên men.

3. Chọn meo giống để trồng.

– Là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất trồng nấm. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.

– Tiêu chuẩn bịch meo tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo. (Riêng một số meo giống, khi tơ trưởng thành, bắt đầu kết tụ lại thành những hạt màu đỏ nâu vẫn cho năng suất tốt). Một bịch meo giống nặng trung bình 120g đến 200g, có thể gieo trên mô nấm rộng 0,5m cao 0,4- 0,5m, chiều dài liếp 4-5m hoặc khoảng 6 kg rơm đã xử lý vôi.

– Chú ý khi chọn meo giống: Không chọn sử dụng bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại. Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua.

4. Xếp mô & rắc meo giống:

Lấy rơm trong đống đã ủ, dỡ bỏ lớp rơm ngoài mặt đống ủ. Lấy rơm đã ủ bên trong mang đi xếp mô trồng nấm, cố gắng xếp hết trong ngày phần rơm đã dỡ lớp đậy khi ủ. Phải xử lý vôi trên bề mặt trước khi chất mô nấm rơm. Có 3 cách :

Cách 1: Rãi một lớp rơm đã ủ lên mặt liếp, tiếp đó tưới nước. Dùng tay đè dẽ dặt sao cho có chiều rộng theo mặt liếp khoảng 50cm, chiều cao 20cm. Rãi meo giống dọc hai bên luống, cách mép luống 5-7cm. Tiếp tục lặp lại thao tác trên cho lớp rơm thứ 2, thứ 3… Nếu ủ ba lớp thì phía trên không rãi men giống, chỉ rãi rơm khô dầy 4-5 cm. Tưới nước đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn. Vuốt mô không gọn, mặt ngoài mô không láng khi thu hoạch nấm sẽ làm hư các nụ nấm nhỏ, làm giảm năng suất.

Cách 2: Rơm sau khi ủ chín được cuốn thành từng bó, đường kính 15-20cm, chiều dài từ 45-50cm, xếp dẽ dặt từng lớp. Sau mỗi lớp rơm, rãi meo dọc hai bên luống, cách mép luống 5-7cm, tiếp tục xếp như trên cho lớp rơm thứ 2, thứ 3… Nếu chỉ ủ ba lớp thì phía trên chỉ rãi rơm khô dầy 4-5cm, tưới nước đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn.

Cách 3: Đặt khuôn theo diện tích hiện có sao cho thuận lợi khi đi lại, chăm sóc nấm và tiết kiệm diện tích. Chiều ngang mặt mô từ 0,3-0,4 mét, chiều cao từ 0,35 – 0,4. Trải một lớp rơm rạ vào khuôn dày 10-12cm. Cấy một lớp giống viền xung quanh cách mép khuôn 4-5cm. Tiếp tục làm như vậy đủ 3 lớp. Lớp trên cùng trải rộng đều khắp trên bề mặt (lớp thứ 4).

Lượng giống cấy cho 1,2m mô khoảng 200-250g. Mỗi lớp giống cấy xong dùng tay ấn chặt, nhất là xung quanh làm thành mô. Trung bình một tấn rơm rạ khô trồng được trên dưới 90-100 mét mô nấm

5. Chăm sóc mô nấm đã cấy giống:

Tùy thuộc địa điểm trồng trong nhà hay ngoài trời (sân bãi, dưới tán cây, đồng ruộng,…) mà cách thức chăm sóc sẽ khác nhau.

a. Trồng trong nhà: Sau 3-5 ngày đầu không cần tưới nước, những ngày tiếp theo quan sát bề mặt mô nấm thấy rơm rạ khô cần phun nhẹ nước trực tiếp xung quanh. Chú ý phải tưới nước khéo, nếu tưới mạnh (hạt nước lớn) dễ làm sợi nấm tổn thương, ảnh hưởng tới năng suất vì lúc này sợi nấm đã phát triển ra tận phía ngoài thành mô. Đến ngày thứ 7-8 bắt đầu xuất hiện nấm con (giai đoạn ra quả), 3-4 ngày sau nấm lớn nhanh to bằng quả táo, quả trứng, vài giờ sau nấm có thể sẽ nở ô dù.

Nấm ra mật độ dày, kích thước lớn cần tưới 2-3 lượt nước cho một ngày. Lượng nước tưới một lần rất ít (0,1 lít cho 1,2 mét mô/ngày). Nếu tưới quá nhiều nấm dễ bị thối chân và chết ngay từ lúc còn nhỏ.

 

b. Trồng ngoài trời: Đóng mô nấm ngoài trời thường bị các đợt mưa lớn, nắng nóng làm hư hỏng, vì thế cần che phủ thêm một lớp rơm rạ khô trên bề mặt mô nấm. Lớp rơm rạ này còn tốt, xếp theo một chiều, phủ theo kiểu lợp mái nhà. Chiều dày 4-5 cm. Tất cả các bề mặt của những mô ở mép ngoài khu vực trồng cũng cần che phủ bằng lớp rơm phủ áo, kiểm tra nếu thấy mô nấm bị khô có thể tưới trực tiếp lên lớp áo phủ nhiều lần trong ngày, sao cho lớp rơm phía ngoài của mô nấm không bị mất nước.

Để tránh mưa và tiện cho việc chăm sóc mô nấm, có thể cắm các cọc tre, hoặc đan thành “chiếc lồng” cách mặt mô nấm 10-15cm, phía ngoài bọc một lớp nylon, phía trên cùng phủ rơm rạ khô càng tốt.

Nhiệt độ mô nấm trong những ngày đầu khoảng 38-40oC là tốt nhất. Việc tưới nước tương tự như với nấm trồng trong nhà.

Lưu ý: Khi thu hái hết nấm đợt 1 cần nhặt sạch tất cả các “gốc nấm” và “cây nấm nhỏ” còn sót lại, dùng nilon phủ lại cho đến khi nấm ra thì gỡ bỏ. Ngừng 3-4 ngày sau đó tưới trở lại như ban đầu, để tiếp thu đợt 2. Sản lượng nấm thu hái tập trung đến 70-80% trong đợt đầu, đợt 2 còn lại 15-25%.

Tùy theo mùa, thay đổi độ dầy khi đậy mô cho thích hợp. Mùa nắng: Tủ rơm mỏng để thoát nhiệt. Mùa mưa, mùa lạnh: Tủ rơm dầy để giữ nhiệt và chống thấm nước.

 

6. Chăm sóc và thu hoạch nấm rơm:

Chăm sóc mô nấm:
– Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón gì thêm. Vì rơm rạ khi phân hủy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển. (Nếu cần thiết thì bổ sung thêm dinh dưỡng 0,5 – 1% urê).
– Theo dõi nhiệt độ và ẩm độ là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Ẩm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ giúp quá trình phân hủy rơm rạ thuận lợi từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm. Nếu ẩm độ dư, thừa nước: Nhiệt độ sẽ giảm, mô nấm bị lạnh. Nếu độ ẩm thiếu, mô bị khô nhiệt độ tăng.

– Giữ ẩm độ thích hợp: Khi kiểm tra mô nấm, rút một nắm (khoảng 15-20 cọng) rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa. Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước. Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô cho nước bốc hơi. Trong mùa mưa phải làm mái che sau khi dỡ áo mô.

– Điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô: Khi kiểm tra mô nấm, thấy nhiệt độ tăng, rơm ủ thiếu nước cần dùng thùng vòi sen tưới cho mô nấm. Tránh dùng vòi nước mạnh sẽ làm hư những sợi tơ và nấm nhỏ. Nếu chỉ tăng nhiệt độ mà không achat sildenafil citrate bodybuilding thiếu nước, phải giảm rơm áo bị ướt thay bằng rơm khô để giảm sức nóng và thoát bớt nhiệt. Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ giảm, mô bị lạnh: Ngưng tưới nước, dỡ bớt áo mô, mái che nắng… để giúp mô hấp thu được nhiều nắng. Nếu là mùa mưa, cần dùng nylon, màng phủ nông nghiệp (đậy phía đen lên trên) để mô nấm giữ nhiệt, tăng nhiệt độ bên trong.

– Đảo rơm áo mô: Sau khi chất mô 5-8 ngày, dỡ rơm áo ra, xốc cho tơi và đậy trở lại cho mô nấm. Cần phải đảo áo mô để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài, không tạo được nấm.

7. Sâu bệnh và cách phòng chống: Trong quá trình trồng nấm rơm thường có một số sâu bệnh hại nấm:

– Nấm dại (nấm mực) do độ ẩm nguyên liệu quá cao. Loại này không gây hại nhưng cạnh tranh dinh dưỡng của nấm rơm, cần điều chỉnh độ ẩm nguyên liệu lúc đem trồng, hạn chế tưới khi chăm sóc.

– Các loại nấm mốc (mốc xanh, vàng, đen,…). Loại này nguy hiểm, nguyên nhân có thể do nguyên liệu bị nhiễm bệnh từ trước. Nhà xưởng vệ sinh không sạch sẽ, khu vực nuôi trồng ẩm thấp, đã trồng nấm nhiều lần,… Cần loại bỏ những mô đã bị bệnh ra xa khu vực nuôi trồng thậm chí đem chôn sâu hoặc đốt để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan. Việc dùng các hóa chất để phun trực tiếp lên mô nấm ít có hiệu quả, tốt nhất là phòng ngừa trước.

– Côn trùng phá hoại (chuột, gián, kiến, mối,…) chúng gặm nhấm sợi và cây nấm, đào hang, làm xáo trộn mô nấm, ăn giống nấm vừa cấy xong,… Dùng thuốc bẫy chuột, gián, kiến,… tại khu vực nuôi trồng nấm.


Số lượt đọc: 812 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác