Phòng chống tai nạn đuối nước mùa hè
22/06/2017

Như chúng ta đã biết Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, số lượng ao hồ, sông suối, kênh rạch khá nhiều. Bên cạnh những lợi ích do thiên nhiên mang lại thì vẫn còn tồn tại những hậu quả khôn lường, đặc biệt là trong những năm qua đã xảy ra khá nhiều vụ chìm phương tiện vận tải thủy, đuối nước đau lòng, làm cho nhiều người chết và thiệt hại lớn đến tài sản, trong đó đặc biệt là các em trong lứa tuổi học sinh sinh viên.

Nghỉ hè luôn là thời điểm được các emhọc sinh, sinh viên háo hức chờ đợi, bởi đây là thời gian các em tạm gác lại chuyện đèn sách để vui chơi thỏa thích, Tuy vậy, đôi lúc vì quá mải mê vui chơi hoặc thiếu trang bị kiến thức về đuối nước đã dẫn đến một số tai nạn đáng tiếc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước: không biết bơi, chơi ở những khu vực nguy hiểm như: có ao hồ, sông, suối, chơi ở những hố nước các công trình xây dựng, bể, giếng nước có thành quá thấp, không có nắp đậy, tập bơi ở những nơi không có biển báo an toàn tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, đi ra đường khi ngập nước bị sa chân xuống hố sâu,… Thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với học sinh - sinh viên, cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:

1.     Khuyến cáo các bạn học sinh, sinh viên không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.

2. Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.

3. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.

4. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

5. Tạo hành lang pháp lý phù hợp: Cần chỉ rõ đầu mối chịu tránh nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra... từ đó có các chế tài hợp lý.

Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế ./.


Số lượt đọc: 1140 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác