Nước mắt trên những cánh đồng nứt toác
22/02/2016

Ngoài đồng, lúa chết khô vì hạn hán, người nông dân mắc nợ vì làm ruộng. Trong nhà, họ quay cuồng vì thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt đang tàn phá ngành nông nghiệp Kiên Giang. Lần đầu tiên, tỉnh này phải chính thức công bố thiên tai. Hơn 34.000 ha lúa của dân tại vùng U Minh Thượng đã chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khúc dạo đầu của một mùa khô hạn được dự báo khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Mắc nợ vì làm ruộng

Vùng U Minh Thượng (trước đây gọi vùng Bán đảo Cà Mau) gồm các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận là những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2015 – 2016 với diện tích hơn 34.000 ha.

Đi qua con sông Cái Lớn, Cái Bé là U Minh Thượng - vùng đất hoang vu bạt ngàn rừng tràm, sông rạch chằng chịt một thời là căn cứ kháng chiến chống Mỹ. Chỉ cần đưa rổ xuống xúc là được cả ký cá nước ngọt. Đó là chuyện ngày xưa, bây giờ thì đã khác.

Men theo con kinh Nhị Kỳ, tôi ghé thăm nhà bà Châu Ngọc Điệp, ngụ tại tổ 11, ấp Nam Quý, xã Đông Thái huyện An Biên. Bà Điệp cho biết, nhà có 7 khẩu trông chờ chủ yếu vào hơn 2 ha ruộng lúa. Tuy nhiên, bà đang đổ nợ vì làm ruộng. Vụ Đông - Xuân vừa qua, bà Điệp bỏ ra gần 500 kg lúa giống để gieo sạ hơn 2 ha. Nhưng vừa xuống giống được hơn 10 bữa, lúa vừa nhú mầm thì chết trắng hoàn toàn do bị nhiễm mặn. Gia đình tiếp tục tổ chức bừa trục, gieo sạ lại. Do được chăm sóc kỹ lưỡng nên lúa phát triển tốt. Khi các công đoạn bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu đã xong, lúa mơn mởn qua thì con gái trổ đòng thì cũng là lúc hạn hán gay gắt, mặn xâm nhập. Lúa dựng cờ trắng như lau sậy, không cho hạt và sau đó dần chết khô.

Bà Điệp dẫn tôi ra đồng lúa bạt ngàn đã chết vì khô hạn, đất ruộng nứt toác nhói cả bàn chân. Bà Điệp ngồi thụp xuống, đau xót mân mê từng cây lúa chết khô, gạt nước mắt than vãn: “Bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào mảnh ruộng này, cả nhà 7 miệng ăn trông vào đây,  bây giờ trắng tay. Cái cay nghiệt là sắp được ăn rồi ông trời lại lấy đi”.

Ngoài đồng, lúa chết khô vì hạn hán. Trong nhà lại quay cuồng vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Bà Điệp nói: “Chúng tôi là dân thuộc huyện An Biên, nhưng phải mua nước ngọt ở tận huyện An Minh, cách cả chục cây số”. Ghe chở nước ngọt theo con kinh Nhị Kỳ đến bán cho từng gia đình. Họ đong theo lu, mỗi lu khoảng 600 lít, giá 40.000 đồng. Nước ngọt múc ở đâu, chất lượng ra sao thì dân chịu. Do khan hiếm nên nước ngọt chỉ để nấu cơm, canh, đánh răng và làm nước uống. Các hoạt động như tắm, giặt… phải múc nước nhiễm mặn sau đìa.

Không chỉ bà Điệp, nhiều người đang đổ nợ vì làm ruộng. “Nói ra đâm xấu hổ, ai đời đi làm ruộng mà thua lỗ, thiếu nợ, không đủ ăn, nhưng đó là sự thật có ai thấu hiểu. Lúa mất trắng như vậy thì lấy gì mà ăn?”, bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tại tổ 12, ấp Nam Quý) với tôi. Hai vợ chồng bà và một con trai sống trong nhà lá tồi tàn. Chồng bị tai nạn cụt 2 tay, đui hai mắt, bà Tuyết cũng bệnh nặng. Bà Tuyết phải cầm cố 5 sào ruộng, giá 2 cây vàng. Sau đó lại cắn răng cắt 1 công ruộng bán. Sau khi cầm cố, bà phải thuê lại chính mảnh ruộng của mình để làm. Có ruộng làm đã lỗ nặng, mất trắng, còn thuê ruộng làm thì đổ nợ. Cách đây 10 năm, bà Tuyết vay ngân hàng 5 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, làm ăn thất bát, sau đó nợ tăng dần lên 10 triệu, 20 triệu và giờ đây là 45 triệu đồng. Bà còn nợ 5 triệu đồng tiền phân bón cũng phải chịu lãi suất. Nghèo khổ cùng cực, phải lo bữa ăn hằng ngày nhưng bà Tuyết không thuộc diện hộ nghèo, vì gia đình bà vẫn còn ruộng.

Bỏ ruộng lên thành phố làm thuê

Phó chủ tịch xã Đông Thái, ông Cao Hùng Khởi, cho biết, ở các ấp thuộc bờ Tây như: Trung Quý, Nam Quý, Đông Thành, Thành Trung, Dân Quân và Trung Sinh, diện tích lúa bị thiệt hại gần 100%. Toàn khu có 1.394 ha lúa thì thiệt hại lên tới 1.364 ha. Đời sống người dân hiện vô cùng khó khăn. Hầu hết đều vay nợ ngân hàng, nợ tiền các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu. Nhiều hộ đã phải vay nóng để trả nợ, đáo nợ ngân hàng.

Chưa có ai bán nhà, bán ruộng. Nhưng bỏ nhà ra đi tìm việc làm ở nơi khác như TPHCM, Bình Dương… thì chưa bao giờ nhiều như năm nay. Đặc biệt là ba ngày sau Tết có khoảng 800 trường hợp đến xã xin xác nhận hồ sơ để đi xin việc. Chưa bao giờ xã gặp hiện tượng đột biến như thế này. Đối tượng xin đi chủ yếu là nam nữ thanh niên, trung niên. Nhiều trường hợp đi cả gia đình. Dòng người đi khỏi xã chưa có dấu hiệu dừng lại. Chưa có số liệu thông kê cụ thể, nhưng ít nhất có vài ngàn trường hợp đã ra khỏi xã tìm việc làm. “Vừa rồi, những người ở nhà làm ruộng lại đón thêm một cái cái Tết nghèo nữa. Trong khi đó, những người bỏ xứ lên thành phố làm thuê trở về quê lại ăn Tết xôm tụ hơn, linh đình hơn. Họ cũng ăn mặc đẹp hơn, không nhìn lam lũ như người nhà quê. Có lẽ đó cũng là lý do những người ở lại quyết bỏ làng ra đi”, ông Khởi nói.

Ông Huỳnh Văn Hồng, Trưởng ấp Bảy Xáng Một, xã Đông Hòa, huyện An Minh, nói: “Ấp tôi có 812 ha lúa Đông - Xuân và cũng bị thiệt hại gần 100%. Mất trắng lúa, dân bây giờ quay sang xả nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Nhưng với thời tiết này thì con tôm cũng không biết có sống nỗi không. Ấp có 596 hộ thì có tới 99 hộ nghèo và 54 hộ cận nghèo. Hiện đã có trên 300 người đã bỏ ấp ra đi tìm việc làm nơi khác”.

Ông Trần Văn Việt (80 tuổi) cho biết, gia đình ông ở ấp Bảy Xáng Một đã ba đời, nhưng chưa bao giờ thấy thời tiết bất thường như mấy năm qua. Mất mùa liên tục và năm nay thì mất trắng. Ông Việt nói: “Mấy chục năm trước, ruộng đồng vùng này là nước ngọt 100%, lúa làm 2 vụ, cá đồng nhiều vô kể. Bây giờ thì làm một vụ lúa không xong. Toàn vùng đã bị mặn xâm nhập. Mấy đứa nhỏ tính đi tìm việc làm nhưng tôi không cho”.

Chưa thống kê hết thiệt hại

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Kiên Giang trong một cuộc họp vào cuối tuần qua, từ tháng 12/2015 đến nay, tại các huyện vùng Minh Thượng, tình hình khô hạn diễn ra gay gắt: ít mưa, nắng nóng kéo dài, mực nước trên các dòng sông xuống thấp. Khô hạn đã làm thiệt hại lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2015- 2016 tại các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Tổng diện tích sản xuất vụ Mùa và Đông Xuân bị thiệt hại hơn 34.093 ha, trong đó, vụ Mùa 27.587 ha, vụ Đông Xuân 6.505 ha. Nhu cầu kinh phí để hỗ trợ thiệt hại trên 150 tỷ đồng. Ngoài vụ Mùa và vụ Đông Xuân bị thiệt hại, vụ Hè Thu, Thu Đông và rau màu năm 2015 bị thiệt hại 29.701 ha. Tổng kinh phí để hỗ hợ diện tích lúa bị thiệt hại qua các vụ trên là 235 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, số liệu nêu trên là chưa đầy đủ. Thực tế, mức độ thiệt hại lớn hơn nhiều lần. Có những nơi trước đây báo cáo lên chỉ thiệt hại khoảng 60%, nhưng khi trên thực tế thu hoạch, người dân gần như mất trắng, bởi lúa nhìn bên ngoài thì có bong, nhưng thực chất bên trong lại không có hạt.   


Số lượt đọc: 675 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác