Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Hưng có khoảng 90 hộ nông dân nuôi bò, cụ thể như sau:
Ấp hải Lâm: 24 hộ
Ấp Hải Sơn: 42 hộ
Ấp Lò Vôi: 11 hộ
Ấp Phước Lâm: 02 hộ
Ấp Phước Thọ: 8 hộ
Ấp Phước Lộc: 03 hộ
Nhưng trên thực tế vẫn còn có một số hộ hộ chăn nuôi bò không điều khiển, dẫn dắt vật nuôi mà thả rông tùy tiện vật nuôi trên đường gây không ít phiền toái như: gây ách tắc, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, vệ sinh môi trường. Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành một số quy định, mức xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc, vật kéo, thả rông động vật nuôi…vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, muốn khắc phục được tình trạng này cần thiết nhất vẫn là ý thức của các hộ chăn nuôi trong việc chăn dắt động vật nuôi đúng theo quy định.
Hiện nay trên một tuyến đường giao thông thuộc địa bàn xã, việc thả rông vật nuôi gây cản trở và nguy hiểm cho người tham gia giao thông và có không ít các vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Ngoài ra, việc lùa cả đàn gia súc lớn trên một số đường là điều vô cùng nguy hiểm, vì việc kiểm soát và quản lý đàn gia súc là rất khó khăn, nhiều trường hợp đàn bò tràn ra đường gây ách tắc và mất trật tự an toàn giao thông nghiêm trọng. Do đàn gia súc quá đông, các phương tiện khi tham gia giao thông buộc phải “nhường quyền ưu tiên” cho vật nuôi qua đường rồi mới dám đi. Có lúc, chúng thản nhiên băng qua đường mặc cho các loại phương tiện bóp còi khiến chúng giật mình bỏ chạy, tạo nên khung cảnh hỗn loạn, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt vào các giờ cao điểm khi lượng xe lưu thông trên các tuyến đường tăng vọt thì việc thả gia súc trên đường trở thành “chướng ngại vật” cho người tham gia giao thông.
Thực tế đã có nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì người tham gia giao thông tránh những con vật chạy trên đường, có trường hợp khi đang tham gia giao thông thì bất ngờ bị con vật đâm vào dù họ đã chủ động phòng tránh. Khi tai nạn xảy ra, chủ gia súc thường không ra mặt vì họ đã nắm được luật giao thông đường bộ về việc cấm chăn, thả súc vật trên đường và không muốn phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt và người bị thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người tham gia giao thông.
Mặc dù luật giao thông đường bộ đã có quy định về người dẫn dắt súc vật khi đi trên đường bộ nhưng nhiều chủ vật nuôi thường không tuân thủ. Theo Điều 34, luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã nêu rõ: “Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”.
Thực trạng thả rong súc vật trên đường hiện đang tồn tại và vẫn đang tiếp tục diễn ra. Vì vậy, UBND xã Phước Hưng thông báo đến các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn xã về nguy cơ gây tai nạn giao thông từ việc thả rong súc vật, ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, vệ sinh môi trường… Nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng trên và cố ý vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm theo pháp luật quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.