Mở đầu buổi nói chuyện, khi được hỏi về những tác động của Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 tới nền kinh tế dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam nhận định, đây là "cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức lớn". "Nếu 3 cuộc cách mạng trước là theo logic tuyến tính, thì CMCN 4.0 lại không như vậy, mà "ụp" xuống, tác động mạnh tới toàn thể các nền kinh tế, tất cả các quốc gia. Với Việt Nam thì ghê gớm hơn nhiều. Việt Nam có 1.0, 2.0, 3.0, chưa đạt tới ngưỡng cao để chuyển sang 4.0, thì với 4.0, cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng rất lớn", TS Trần Đình Thiên cho hay.
"Khi làm việc trong nhóm tư vấn của Thủ tướng, có chuyên gia nói hệ thống tài chính là hệ thống tận dụng thành quả 4.0, kinh tế số là nhiều nhất, nhanh nhất. Nhưng ta đang tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. Tái cơ cấu là chúng ta chỉ thay cái cũ chứ không chuẩn bị nền tảng cho một hệ thống tài chính tương thích với kinh tế số, CM 4.0. Vì thế thách thức là rất lớn", ông Thiên nói thêm. TS Trần Đình Thiên cũng cho biết, nhóm tư vấn của Thủ tướng đã đề nghị với Thủ tướng phải lập ra đội "đặc nhiệm" để nghiên cứu, soạn thảo chương trình "chuyển sang 4.0".
Đừng để lỡ cơ hội với 4.0
Đồng tình với quan điểm CMCN 4.0 là một cơ hội lớn ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông khẳng định, nếu có sự lo sợ nào đó thì đó là lo Việt Nam sẽ chậm chân, mất thời cơ trong cuộc cách mạng này. "Thực tế, có nhiều người suy nghĩ: CMCN 4.0 có phải phong trào không và tại sao ở Việt Nam lại nói nhiều hơn các nước khác? Cá nhân tôi nghĩ rằng, CMCN 4.0 là một cơ hội tuyệt vời, rất lớn. Cái sợ không phải là sợ bao nhiêu người thất nghiệp, cái tôi lo là chúng ta lại bị chậm chân, lỡ mất thời cơ.
Tôi cho rằng, việc chúng ta không có một nền công nghiệp lớn lại là cơ hội lớn cho Việt Nam. Lấy ví dụ như công nghệ viễn thông, thời năm 1991, chỉ một đêm Việt Nam đã có thể chuyển đổi số hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi lo lắng là nói đến 4.0 mà tư duy vẫn 1.0, 2.0, 3.0 thì cũng sẽ không thể làm được 4.0", ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho rằng, CMCN phải gắn với việc tang năng suất lao động, giảm chi phí và mang lợi ích cho người dùng. "Lý tưởng và triết lý của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chúng ta phải sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tăng được năng suất lao động, từ đó tiết kiệm được chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thậm chí, các doanh nghiệp truyền thống nếu không thích ứng được thì đó chính là đối tượng cần phải lật đổ trong cuộc cách mạng này", ông Bình cho hay.
Phân tích sâu hơn, ông Bình cho biết thêm: Trong khoảng 4-7 năm gần đây, nhiều startup công nghệ đã ra đời, tác động mạnh đến hoạt động của ngành vận tải công cộng. Lấy ví dụ như taxi truyền thông, tiêu tốn nhiều nhân lực. Hay với ngân hàng, thời gian gần đây đã phải cắt giảm nhân sự rất nhiều, trước áp lực từ các công ty Fintech. Từ thực tế này, tôi cho rằng đây là cơ hội bằng vàng để chúng ta có thể ứng dụng CNTT đến tận gốc rễ, cải thiện năng suất lao động. Với những ngành truyền thống không chịu thay đổi, tôi nghĩ rằng những ngành như vậy xứng đáng bị đào thải.
Chốt lại phần chia sẻ của mình, ông Bình tỏ ra lo lắng bởi bên cạnh cơ hội, thách thức cũng rất nhiều. "Cá nhân tôi thấy rất lo ngại khi doanh nghiệp Việt Nam có thể để thị trường rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu tư duy quản lý chưa thực sự cởi mở, doanh nghiệp không thay đổi thì nguy nhiều hơn là cơ", ông Bình nhấn mạnh.
(Sưu tầm)