(CMO) "Từ khi dự án nuôi cua 2 giai đoạn của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được triển khai đã làm thay đổi cuộc sống nông dân chúng tôi nhiều lắm. Từ đối tượng nuôi ghép phụ trong mùa vụ nay đã trở thành đối tượng chính cho thu nhập cao và ổn định, trong khi con tôm đang rớt giá và dịch bệnh nhiều", đó là khẳng định của nông dân Lê Văn Sơn, Ấp 6, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình.
Từ khi dự án kết thúc đến nay, 23 hộ dân tham gia nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn đều duy trì thực hiện, vụ tiếp vụ, hiệu quả liên tiếp. Tất cả đều dựa vào nền tảng kỹ thuật nắm được từ dự án.
Hiệu ứng từ dự án
Nhờ lợi thế thiên nhiên ban tặng, từ khi chuyển dịch từ chuyên lúa sang lúa - tôm, đến nay cuộc sống của người dân dần ổn định khi kết hợp cả 3 đối tượng cây lúa, con tôm sú và con cua. Từ tháng 4/2019, khi tham gia dự án nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn do Sở KH&CN triển khai thực hiện, 23 nông dân xã Tân Lộc Bắc đã có cái nhìn khác về vị trí của con cua.
“Thấy ham lắm, có đêm thu hoạch đầy 2-3 xoong đặt rượu, vào thời điểm Tết hay cua có giá thu nhập trên 20 triệu đồng, hết vụ gần 100 triệu đồng từ con cua. Vụ nào cũng cho hiệu quả như thế thử hỏi nông dân chúng tôi không vui sao được”, ông Sơn tấm tắc.
Đã 73 tuổi, có gần 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm, cua và trồng lúa, ông Sơn nắm được những yếu tố kỹ thuật quan trọng từ dự án, kết hợp với điều kiện thực tế sản xuất của gia đình và thành công trong vụ cua. Từ khi kết thúc dự án, ông duy trì thả mật độ 5.000 con cua/ha (giảm 5.000 con so với khi tham gia dự án) cho phù hợp với công chăm sóc và nguồn thức ăn trong vuông của mình. 2 vụ liên tiếp, ông thu hoạch mỗi vụ trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những nông dân nuôi ghép thành công cả tôm thẻ chân trắng và cá chẽm trong cùng một diện tích ao nuôi.
Phó chủ tịch HĐND xã Tân Lộc Bắc Trần Văn Hải cho biết: “Sau dự án, người dân nuôi cua trúng rất nhiều. Con cua đối với nông dân nơi đây đã trở thành đối tượng nuôi chính trên vuông tôm của mình”.
Hướng đi bền vững
Dự án đã giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế cho các hộ gia đình từ mô hình kết hợp khi lúa đạt 30-40 giạ/công. Và do sản xuất theo hướng hữu cơ nên được công ty thu mua lúa bao tiêu ngay từ đầu vụ, con tôm và con cua cũng trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Cũng là nông dân tham gia dự án, Bí thư Chi bộ Ấp 6 Lê Thanh Tâm cho biết: “Bây giờ các hộ dân tham gia dự án hễ thả cua là trúng, qua theo dõi từng hộ nuôi rất đạt. Nhà nước đầu tư cho dân, tạo điều kiện cho dân có được nguồn vốn từ mô hình như vậy nông dân phấn khởi lắm”.
Nhờ diện tích nuôi rộng nên ông Lê Thanh Tâm thu hoạch cua mỗi vụ từ 100-200 triệu đồng, khi trúng giá trên 200 triệu đồng.
Theo ông Tâm, hiện giờ con cua cho hiệu quả rất cao so với con tôm. Nếu tính đồng các đối tượng giữa con cua, con tôm sú hay tôm thẻ chân trắng và cây lúa thì con cua giờ đây có thể nói đứng đầu về thu nhập và sự ổn định. Không những nông dân trong mô hình mà ngoài mô hình thực hiện theo cũng chung nhận định như thế.
Ông Lê Văn Sơn phấn khởi: "Chưa tính thu nhập từ con tôm hay cá và lúa, chỉ cần cua thôi tôi vẫn sống khoẻ. Tới đây, thành lập HTX xong thì người dân nuôi cua nơi đây sẽ an tâm hơn với mô hình này"./.
SƯU TẦM TỪ: http://baocamau.com.vn/khoa-hoc-doi-song/khi-nong-dan-nam-vung-khoa-hoc-cong-nghe-65970.html