Bưởi da xanh là một loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, làm cho cuộc sống của nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL khấm khá. Tuy nhiên, do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp đã làm cho dịch bệnh và sâu hại ngày càng khó quản lý. Trong các sâu hại, sâu đục trái bưởi là một loại dịch hại đáng ngại nhất vì nó làm thiệt hại năng suất.
Triệu chứng bưởi bị sâu đục trái. Ảnh: Minh Đức.
Đặc điểm hình thái: Sâu đục trái bưởi có tên khoa học Citripestis sagittiferella, họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Vòng đời của sâu đục trái bưởi khoảng 23 - 30 ngày: Trứng 4 - 7 ngày, ấu trùng 9 - 15 ngày, nhộng 7 - 10 ngày, thành trùng 2 - 4 ngày.
- Giai đoạn trứng: Trứng được đẻ thành từng ổ trên mặt vỏ trái, mới đẻ có màu trắng đục, lúc sắp nở có màu cam đỏ, đường kính trứng khoảng 1 mm, mỗi ổ đẻ từ 3 - 10 trứng.
- Giai đoạn ấu trùng: Ấu trùng có 4 tuổi, ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt, đầu màu nâu đen, sau đó màu sậm dần, sâu càng lớn thì màu càng đỏ đậm hơn, ấu trùng tuổi cuối có màu đỏ nâu sau đó chuyển sang màu nâu xanh trước khi hóa nhộng, cơ thể dài khoảng 14 - 20 mm.
- Giai đoạn nhộng: Nhộng màu nâu đậm, dài khoảng 10 - 13 mm.
- Giai đoạn thành trùng: Thành trùng có chiều dài thân khoảng 9 - 12 mm, màu nâu xám với cánh trước có màu nâu vàng đến nâu xám, cánh sau trong suốt.
- Thành trùng sau khi vũ hóa 2 - 4 ngày thì bắt cặp và đẻ trứng vào ban đêm. Ban ngày thành trùng thường nằm yên trong tán lá. Trứng nở ra ở trên bề mặt vỏ trái sau 4 - 7 ngày ủ trứng và sau khi nở 1 - 2 giờ thì sâu non bắt đầu đục và chui vào bên trong trái gây hại. Khi đẩy sức, sâu nhả tơ thả mình xuống đất và hóa nhộng trong đất.
Sưu tầm từ: https://nongnghiep.vn/phong-tru-sau-duc-trai-buoi-da-xanh-d274721.html