Nói đến việc học, từ lâu đời cha ông ta đã đúc kết nên câu thành ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy giáo, cô giáo là người truyền dạy kiến thức, giúp hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thêm trong sáng và phong phú để mỗi cá nhân chúng ta được phát triển về nhân cách, năng lực và phẩm chất giúp ích cho xã hội. Nhằm ôn lại truyền thống “Tôn sư trọng đạo, nữa chữ cũng yêu lấy thầy”, sáng ngày 16/11/2012, UBND đã tổ chức buổi họp mặt ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tham dự tại buổi họp mặt có ông Nguyễn Văn Minh- HUV- Bí thư Đảng uỷ xã, ông Lê Tiến Thọ- PCT UBND xã, ban ngành đoàn thể và các giáo viên, các cựu giáo chức trên địa bàn xã.
Sau khi bà Trần Thị Mộng Tuyền- PCT hội khuyến học- CC. VHXH thông qua ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hoa- cựu giáo viên trường tiểu học Lý Tự Trọng, thầy Nguyễn Mậu Đàn cựu giáo viên đã tham gia phát biểu về sự nghiệp giáo dục. Nhân dịp này lãnh đạo chính quyền địa phương đã trao tặng hoa và quà cho các cựu giáo chức để khích lệ tinh thần vì đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại xã nhà.
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy được khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người chúng ta. Và câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu Kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đã và mãi mãi đồng hành cùng chúng ta đi dọc theo năm tháng. Ngày 20/ 11 hàng năm đã là ngày tôn vinh các thầy giáo, cô giáo – những người đảm nhiệm sứ mệnh vẻ vang “trồng người” đã thể hiện sự quan tâm to lớn và sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành Giáo dục nói chung, là sự kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. /.
Tiết mục văn nghệ thể hiện lòng biết ơn thầy cô của trường tiểu học Lý Tự Trọng.
Thầy trò trường Tiểu học Lý Tự Trọng chụp hình lưu niệm.
Trao hoa và quà cho các cựu giáo chức.