Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp Uỷ đảng, chính quyền địa phương; công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện đặc biệt được quan tâm với nhiều hình thức. Các chương trình đề án, kế hoạch hàng năm đều được triển khai thực hiện đồng bộ đến các xã, thị trấn. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề cần được quan tâm nhất trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em là tình trạng chết đuối vẫn còn diễn biến phức tạp. Số trẻ em bị chết đuối năm 2012 tăng so với 2011 là 4 em, cụ thể : tại xã Tam Phước 1 em, tại thị trấn Long Hải 1 em, tại xã Phước Hưng 2 em, tại xã An Nhứt 1 em, tại xã Phước Tỉnh 1 em. Đa số các em này đều dưới 16 tuổi.
Mặc dù UBND huyện đã có những giải pháp quyết liệt như truyên tuyền sâu rộng đến từng xã, thị trấn nhưng tình trạng chết đuối ở trẻ em vẫn xảy ra do một số nguyên nhân như: một số gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục con em, nhiều bậc cha mẹ vì mãi lo cơm áo, gạo tiền mà lơ là việc chăm sóc, giáo dục con cái; một số trường hợp do phương pháp giáo dục chưa thích hợp; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế ở cơ sở; công tác quản lý, bảo vệ trẻ em ở gia đình, nhà trường chưa có sự phối hợp đồng bộ...chính vì vậy việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn huyện Long Điền vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với các cháu.
Trước tình hình trên, UBND huyện Long Điền đã đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng trên và chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc như: đưa các mục tiêu của kế hoạch hành động vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, UBND các xã, thị trấn đối với công tác PCTNTTTE nói chung, đặc biệt tập trung phòng, chống đuối nước cho trẻ em và các loại tai nạn thường gặp trong gia đình; xác định rõ phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; các địa phương trên địa bàn huyện cần tăng cường thực hiện và bổ sung những quy định của địa phương về PCTNTT trẻ em, lồng ghép chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại địa phương, trường học, các khu vui chơi,…
Về công tác cán bộ cơ sở, UBND huyện yêu cầu phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham gia công tác Lao động – Thương binh và Xã hội từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thường xuyên kiểm tra ở từng thôn, xóm, khu phố, trường học, gia đình để phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn để có biện pháp khắc phục.
Mặc khác, UBND huyện huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức xã hội, trong cộng đồng thực hiện công tác phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em; tăng cường công tác trao đổi, hợp tác giữa các ban, ngành, các địa phương, các tổ chức về hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ đó thay đổi hành vi, nếp sống phù hợp nhằm hạn chế những tai nạn, thương tích tạo sự quan tâm sâu sắc đối với các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và của toàn dân đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường vận động quỹ bảo trợ trẻ em nhằm hỗ trợ hoạt động truyền thông của mạng lưới cộng tác viên xã, thị trấn; hỗ trợ những gia đình có trẻ em bị tai nạn, thương tích đang gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Thiết nghĩ với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ huyện đến địa phương thì công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em sẽ được đẩy mạnh, hạn chế những nguy hiểm và mất mát có thể xảy ra; tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh và an toàn cho thế hệ xây dựng đất nước trong tương lai.
Tin từ Website Huyện Long Điền