"Xóm bẫy chim"
Vào khoảng tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, khi con nước sông Đà dâng cao cũng là lúc hoạt động bẫy chim tại xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) trở nên nhộn nhịp. Mỗi năm, những thợ săn chim nơi đây đã diệt hàng chục ngàn con chim các loại, từ sẻ, cuốc, cò đến chào mào, cu gáy…
Thời nay, một chiếc đài đọc thẻ nhớ thu âm tiếng kêu của loài chim, kết nối với một cái loa khuếch đại âm thanh có thể vang xa cả cây số. Những loài chim “hót cùng giọng” quanh vùng sẽ lần tìm tiếng gọi của bạn để lao tới như thiêu thân.
Tôi tìm đến nhà ông Cường (nhân vật trong bài được giấu tên), một tay săn chim thiện nghệ ở thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái. Đã ngoài lục tuần nhưng ông vẫn chưa thôi nghề “bẫy của rừng, của trời”. Vào kho chứa đồ nghề của ông chỉ thấy một bó chông vót nhọn đầu, bốn cọc tre dài quá sải tay người lớn, hai tấm lưới khổ 2x4m, một cuộn dây thừng, những lồng chim mồi (gồm: ngói, cu gáy…) và vài cành lá cót.
Sau hồi lâu thuyết phục, cuối cùng ông Cường đã đồng ý cho chúng tôi mục sở thị buổi bẫy chim ngói. Với những dụng cụ kể trên, lão thợ săn bố trí thành một cái bẫy sập. Hai cánh lưới diềm gắn cọc tre nằm ngả trên nền đất trống, chỉ cần giật dây chạc là khép vào nhau hệt như người ta gấp quạt. Ở giữa bẫy, ông đặt một vỉ ruồi gắn chim mồi (đã được khâu hai mắt) và rắc vài nắm thóc.
Khi thấy những đàn chim ngói bay ngang qua, ông Cường liên tục giật sợi dây nối với vỉ ruồi để máy chim mồi. Chờ chim hoang sà xuống đúng bẫy, chỉ cần một động tác giật giây, những chú chim đã nằm gọn trong lưới. Cách bẫy này có thể áp dụng đối với cả chim sẻ và chim cu gáy (chỉ khác ở chim mồi).
Ông Cường tiết lộ: “Thôn Tăng Cấu có gần 20 thợ bẫy chim chuyên nghiệp hoạt động quanh năm. Nếu tính cả những thợ bẫy chim thời vụ thì quân số phải lên tới 40 người. Riêng gia đình tôi đã có 6 “tay lưới” rồi”.
Vậy trong một năm, đội quân này đã kết liễu sinh mạng của bao nhiêu chú chim vô tội? Để giải đáp cho câu hỏi này, tôi đã tìm đến một số nhân vật lừng danh khác trong giới săn chim của xóm Trung (thôn Tăng Cấu) để hỏi về “sản lượng” mà họ “thu hoạch” được sau mỗi buổi hành nghề.
Anh Ngọc vốn là một thợ xây nhưng đã chuyển sang nghề bẫy chim được 5 năm. Lý do cũng chỉ vì ma lực của đồng tiền. Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, chim về rất nhiều. Trung bình mỗi ngày anh bẫy được 200-300 con chim sẻ hoặc chục con cò, chào mào, cuốc. Những tháng còn lại trong năm, ở quê ít chim nên phải phóng xe máy vượt mấy chục cây số xuống thị trấn Phùng, Diễn để đánh bắt.
“Nhiều người nghĩ ở gần khu dân cư thì không có chim nhưng họ đã nhầm. Thời điểm tan chợ, chim sẻ kéo đến rất đông để nhặt thức ăn rơi vãi. Có mẻ lưới tôi giật được nửa đàn, khoảng 20 con”, anh Ngọc chia sẻ.
Một trong những chiến hữu thân thiết của anh Ngọc là anh Hào. Người này có kỹ nghệ siêu đẳng trong việc bẫy 2 loại chim là cu gáy và ngói. Đây là những loại chim rất khó bắt vì chúng sống chủ yếu ở trong rừng. Vậy mà cứ lần nào đi là anh lại mang về cả bu chim ngói. Dăm bữa, nửa tháng lại có chú chim cu gáy sa lưới.
Hào cho biết, dân chơi chim thứ thiệt trên thành phố trả giá rất cao để sở hữu một chú chim cu gáy. Nếu là chim non, rẻ nhất cũng có 500 ngàn đồng. Loại biết gáy giá từ 1,5 triệu đồng trở lên. Con nào biết gù theo hiệu lệnh của chủ thì từ 4-5 triệu đồng, cá biệt có con lên tới 7 triệu đồng.
Hiện tại, Hào đang sở hữu một bộ sưu tập nhiều loài chim như chào mào, chích chòe, cu gáy, họa mi, sáo… do anh bắt được. Thợ săn chim này khoe: “Nếu bán hết số chim ấy tôi cầm chắc trăm triệu đồng”. Ngoài những lồng chim quý phô diễn hớ hênh, trong gian nhà kho của Hào còn có khoảng 30 chim ngói trong lồng đan lưới sắt mắt cáo chờ đầu nậu đến thu mua.
Đủ chiêu trò ma quái
Từ bao đời sống bằng nghề bẫy chim trời, những người thợ săn chim ở Đồng Thái đã được thừa hưởng nhiều “ngón nghề độc nhất vô nhị” của lớp người đi trước. Họ cũng không ngừng học hỏi và phát triển thêm nghề cha ông truyền lại cho mình.
Các thợ bẫy chim trong xóm cho biết, mỗi loại chim có những cách bẫy khác nhau. Đối với cò thì có 2 cách bẫy. Cách thứ nhất là bẫy bằng chông gắn keo dính. Keo được làm bằng cách nấu nhựa thông và nhựa đa với nhau. Mỗi chiếc chông dài khoảng 45cm được bôi nhựa ở đầu trên (không nhọn), có một đầu nhọn để cắm xuống bờ lúa. Mỗi lần đi bẫy, người bẫy chim thường mang theo vài trăm que chông để cắm thành bãi rộng. Những chiếc chông được cắm so le nhau, que nọ cách que kia 25cm.
Ngoài ra để dụ cò từ trên cao xuống, thợ bẫy chim phải sử dụng đến một con cò mồi (sống) và nhiều cò mồi khác bằng gỗ ở bãi đất đặt bẫy. Khi cò sà xuống, 2 cánh của nó sẽ chạm vào những que chông bôi keo dính cắm chằng chịt và mắc bẫy. Ngoài cách này, có thể bắt cò bằng bẫy lưới.
Đối với chim chào mào, sẻ, cu gáy, ngói… cách thông dụng nhất để bắt là dùng bẫy lồng. Trong lồng sẽ chứa những loại thức ăn mà loài chim này ưa thích như trái dâu chín, vải. Các loại thức ăn này được gắn với một lẫy sập cửa lồng. Khi chim chui vào lồng mổ trái chín thì cửa lồng sẽ đóng lại.
Ở huyện Ba Vì, không thợ săn chim nào xa lạ với H (người xóm Thượng, thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái). Người này là đầu nậu chuyên thu mua chim để bán cho các nhà hàng, khách sạn trên thành phố Hà Nội và khu du lịch sinh thái dưới chân núi Tản.
Đầu nậu này cho biết, những tháng chim về ít (từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch), giá thu mua một con chim sẻ là 6 ngàn đồng và bán ra 7 ngàn đồng. Chim chào mào mua vào 35 ngàn và bán ra 40 - 50 ngàn đồng. Chim ngói mua vào 50 ngàn đồng và bán ra 55 ngàn đồng.
Chim cuốc nhập 40 ngàn đồng và bán ra 45 ngàn đồng. Chim cò nhập 19 ngàn đồng và bán ra 25 ngàn đồng. Nếu vào mùa vụ đánh bắt chim (từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch), giá chim sẽ thấp hơn, tuy nhiên lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán vào túi của H. vẫn không thay đổi.
(Sưu tầm từ: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/133732/phong-su/noi-diet-ca-van-con-chim-moi-nam.html)