Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sau một thời gian dài luôn đứng ở mức cao, trên dưới 200.000 đồng/kg, giá hạt tiêu ở nước ta có xu hướng giảm xuống từ tháng 6, tháng 7 đến nay. Nếu như hồi tháng 6, tháng 7, giá hạt tiêu bình quân là 200.000 đồng/kg, thì đến tháng 10 và 11 giảm xuống chỉ còn 187.000 đồng/kg. Đầu tháng 12, giá còn 172.000 đồng/kg, thấp hơn 18.000 đồng/kg so với giá bình quân của tháng 12-2014. Theo dự đoán của người trồng tiêu, năm 2016, giá tiêu nhiều khả năng còn giảm nữa. Một số lô hàng hạt tiêu của Việt Nam bị trả về do không bảo đảm ATTP, khiến nhà xuất khẩu chịu thiệt hại không nhỏ.
Tại BR-VT, diện tích trồng tiêu của tỉnh đứng thứ 4 trong cả nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng xuất khẩu, người dân địa phương đang hướng đến sản xuất sạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm, tạo đầu ra ổn định và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Vì vậy, đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo Global GAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại huyện Châu Đức” do Sở KH-CN quản lý, TS.Bùi Xuân Khôi (Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ) làm chủ nhiệm đang là nhu cầu cần thiết để hồ tiêu BR-VT tạo vị thế trên thị trường.
Theo trung tâm nghiên cứu giống cây ăn quả Đông Nam bộ, 95% sản lượng tiêu ở Việt Nam được dùng để xuất khẩu nên xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp muốn xuất ra nước ngoài, nhất là thị trường châu Âu phải đạt tiêu chuẩn Global GAP. Mục đích của Global GAP là làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với thực phẩm an toàn thông qua thực hành nông nghiệp tốt của người sản xuất. Việc sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP là rất quan trọng, có vai trò quyết định trong mở rộng thị trường và giá thành của hồ tiêu BR-VT.
Ông Vương Quang Cần, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, hiện toàn tỉnh có 8.000ha tiêu thì huyện Châu Đức chiếm gần 6.000ha, trong đó ấp Tân Thành, xã Quảng Thành có 90% số hộ trồng tiêu... Với đặc điểm khí hậu, đất đai, địa hình đã làm cho hạt tiêu săn chắc, cộng với việc canh tác an toàn cho người sử dụng, bảo đảm các tiêu chí của sản phẩm sạch đã tạo cho hồ tiêu của tỉnh có một hương vị, tính chất khác biệt. Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP là nhu cầu cần thiết để hồ tiêu BR-VT phát triển bền vững.
TS. Bùi Xuân Khôi, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cho biết, 8 hộ dân tại ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã được chọn tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu theo Global GAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các hộ dân được hướng dẫn trồng theo quy trình của Trung tâm từ bón phân đến chăm sóc theo từng giai đoạn. Phân bón chủ yếu từ hữu cơ bao gồm phân bò hoai mục và phân cá qua xử lý nên lượng tồn dư bảo vệ thực vật rất thấp. Theo tiến độ thực hiện, tháng 3-2016, các hộ dân tiến hành thu hoạch và sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP.
Ông Nguyễn Văn Mậu, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức), một hộ dân tham gia trồng 0,8ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP cho biết, trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP cây sinh trưởng tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh, hầu hết đều không bị nhiễm bệnh tiêu chết nhanh, hứa hẹn mùa tiêu bội thu.
Bên cạnh đó, đến nay, hồ tiêu BR-VT đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hồ tiêu BR-VT”. Đây là cơ hội nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế của sản phẩm hồ tiêu BR-VT trên thị trường.