Phòng trừ sâu bệnh hại trong tái canh cây cà phê vối
13/08/2013
Lá của cây cà phê bị bệnh gỉ sắt

 

Việc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cà phê theo nguyên lý phòng trừ tổng hợp.

 

1. Sâu hại

a) Rệp vảy xanh hay rệp sáp mền xanh (Coccus viridis Green), rệp vảy nâu hay rệp sáp mềm bán cầu, rệp sáp mềm nâu (Saissetia hemisphaerica Targioni-Tozzetti, Saissetia coffeae Walker)

Các loại rệp này thường tập trung trên các bộ phận non của cây như chồi vượt, cành, lá, quả non... để chích hút nhựa, làm rụng lá, quả khiến cây bị kiệt sức và có thể gây chết cây. Rệp phát triển quanh năm nhưng phá hại mạnh trong mùa khô và trên cà phê kiến thiết cơ bản. Kiến là côn trùng giúp cho rệp phát tán.

Biện pháp phòng trừ:

- Làm sạch cỏ trong lô, cắt bỏ cành cà phê sát mặt đất để hạn chế sự phát tán của rệp thông qua kiến.

- Bảo vệ thiên địch, đặc biệt là bảo vệ các loài bọ rùa đỏ (Rodolia sp.), bọ mắt vàng (Chrysopa sp.) và bọ rùa nhỏ (Scymnus sp.).

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây, nếu phát hiện có rệp, có thể dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ rệp: Fenitrothion + Trichlorfon (Ofatox 400 EC); Fenitrothion + Fenoburcarb (Subatox 75 EC) nồng độ 0,3 %, Fenitrothion + Fenpropathrin (Danitol-S 50 EC) nồng độ 0,3 %, Spirotetramat (Movento 150 OD) nồng độ sử dụng 0,125 %; dinotefuran (Cheer 20 WP) pha gói 6,5 g cho bình 16 lít. Đối với cây bị rệp mức độ nặng nên phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Chú ý chỉ phun thuốc những cây bị rệp và phun khi cần thiết (mật độ rệp cao), không phun thuốc định kỳ, không phun toàn bộ diện tích.

b) Rệp sáp hại quả (Planococcus kraunhiea Kwana)

Rệp chích hút hoa, cuống quả và quả non làm hoa, quả khô và rụng. Rệp gây hại nặng trong mùa khô, từ sau khi cây ra hoa, đặc biệt là thời gian có các giai đoạn mưa nắng xen kẽ nhau.

Biện pháp phòng trừ:

- Sau khi thu hoạch cắt tỉa cành thông thoáng, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ để hạn chế sự lây lan do kiến.

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là vào những năm khô hạn.

- Khi thấy khoảng 10% số chùm quả trên cây có rệp thì tiến hành phun một trong các loại thuốc sau: Profenofos (Selecron 500 EC), Cypemethrin + Profenofos (Polytrin 440 EC), Beta - cyfluthrin + Chlorpyrifos Ethyl (Bull Star 265.2 EC) ở nồng độ 0,3%, Imidacloprid (Admire 200 OD) ở nồng độ 0,1 %, phun 2 - 3 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Chú ý chỉ phun cây có rệp.

c) Rệp sáp hại rễ hay rệp sáp giả ca cao (Planococcus lilacinus Cockerell)

Rệp thường tập trung ở phần cổ rễ, sau đó rệp lan dần qua rễ ngang, rễ tơ và kết hợp với nấm hình thành các măng - xông bao quanh các rễ ngăn cản thuốc trừ sâu tiếp xúc với rệp. Các vết thương hình thành do rệp chích hút tạo điều kiện cho nấm xâm nhập gây nên bệnh thối rễ. Kiến và nước chảy tràn là 2 tác nhân chính trong việc lây lan của rệp.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên kiểm tra phần cổ rễ cà phê, nếu thấy mật độ lên cao (trên 100 con/gốc ở vùng cổ rễ sâu 0 - 20 cm) thì tiến hành xử lý thuốc theo phương pháp sau: bới đất chung quanh vùng cổ rễ theo dạng hình phễu cách gốc 10 cm, sâu 20 cm. Có thể sử dụng các loại thuốc sau: thuốc sinh học xxxrhizium (250 g/gốc) hoặc Diazinon (Diaphos 10 G, Diazan 10 H) 30 g/gốc hoặc dùng một trong các loại thuốc Dimethoat (Bian 40 EC), Fenitrothion + Trichlorfon (Ofatox 400 EC); Fenitrothion + Fenoburcarb (Subatox 75 EC) Subatox 75 EC nồng độ 0,3 %, cộng thêm 1 % dầu hoả hoặc chất bán dính tưới cho mỗi gốc 0,5 - 1 lít dung dịch và lấp đất lại. Khi bới gốc để xử lý tránh để lâu kiến sẽ mang rệp phát tán đi nơi khác, chú ý chỉ xử lý các cây có rệp.

d) Mọt đục cành (Xyleborus morstatti Hagedorn)

Mọt bắt đầu xuất hiện từ đầu mùa khô và phát triển mạnh vào giữa và cuối mùa khô. Mọt phá hại trên các cành tơ, nhất là trên vườn cà phê kiến thiết cơ bản. Mọt đục một lỗ nhỏ bên dưới cành tơ làm cho cành bị héo dần và chết. Hiện nay chưa có thuốc phòng trị hiệu quả.

Vì vậy biện pháp tốt nhất là phát hiện kịp thời và cắt bỏ các cành bị mọt tấn công. Nên cắt phía trong lỗ đục khoảng 2 cm và đốt bỏ cành bị mọt để ngăn chặn sự lây lan của mọt.

e) Mọt đục quả (Stephanoderes hampei Ferrari)

Mọt xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng. Mọt gây hại trên quả xanh già, quả chín và cả quả khô còn sót trên cây, dưới đất. Mọt còn có thể phá hại quả và nhân khô khi độ ẩm của hạt cao hơn 13%.

Biện pháp phòng trừ:

- Bảo quản cà phê quả khô hay cà phê nhân ở độ ẩm dưới 13%.

- Thu hoạch kịp thời quả chín vào bất kể thời điểm nào trong năm cũng như nhặt hết quả khô dưới đất, trên cây sau thu hoạch để cắt đứt sự lan truyền của mọt.

- Trên những vùng bị mọt phá hại nhiều có thể dùng Benfuracarb (Oncol 20 EC) hay Diazinon (Diaphos 50 EC, Diazan 40 EC), Fenitrothion + Fenpropathrin (Danitol-S 50 EC) ở nồng độ 0,2 - 0,3 % phun vào thời kỳ quả già.

Chú ý: chỉ phun trên những cây có mọt và tập trung phun vào các chùm quả.

2. Bệnh hại

a) Bệnh vàng lá, thối rễ

Bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng (Pratylenchus coffeae (Zimmermann) Schuurmanns-Stekhoven, Pratylenchus spp., Meloidogyne spp.) và nấm hại rễ (Furasium spp.) gây hại. 
Trên cà phê kiến thiết cơ bản cây có triệu chứng vàng lá, thối rễ cọc, cây thường bị nghiêng trong mùa mưa và rất dễ nhổ lên bằng tay. Trên cà phê đã cho quả, cây sinh trưởng chậm, có ít cành thứ cấp, lá chuyển sang màu vàng, rễ tơ bị thối.

Biện pháp phòng trừ:

- Về làm đất: sau khi nhổ bỏ cà phê phải cày rà rễ, thu gom và tiêu hủy.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ luân canh cây trồng. Luân canh cây phân xanh, cây đậu đỗ 2 - 3 năm.

- Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng để ươm cây.

- Đối với những vườn ươm đã sản xuất cây giống cà phê nhiều năm (> 2 năm) cần xử lý tuyến trùng trên cây con trong bầu bằng cách dùng một trong các loại thuốc sinh học Paecilomyces lilacinus (Palila 500 WP), Clinoptilolite (Map logic 90 WP), Chitosan (Oligo - Chitosan) (Kaido 50 SL, 50 WP; Tramy 2 SL), Cytokinin (Zeatin) (Geno 2005 2 SL) theo hướng dẫn trên bao bì hoặc thuốc hóa học Ethoprophos (Mocap 10 G 2 g/bầu hoặc Vimoca 20 ND nồng độ 0,3 %, 20 ml/bầu). Xử lý 2 - 3 lần, cách nhau 1 tháng, lần đầu trước khi xuất vườn 2 - 3 tháng.

- Lựa chọn cây giống sinh trưởng khỏe không bị bệnh.

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện kịp thời: đào, đốt cây bị bệnh. Cây quanh vùng bệnh có thể dùng thuốc phòng tuyến trùng như Ethoprophos (Mocap 10 G 50 g/gốc, Vimoca 20 ND nồng độ 0,3 %, 2 lít dung dịch/gốc), Carbosulfan (Marshal 5 G 50 g/gốc); Benfuracarb (Oncol 20 EC nồng độ 0,3 %, 2 lít dung dịch/gốc).

- Bón phân đầy đủ, cân đối đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá nhất là đối với các vườn liên tục cho năng suất cao.

- Sử dụng các chế phẩm sinh học như Paecilomyces lilacinus (Palila 500 WP), Chitosan (Oligo – Chitosan) (Jolle 1 SL, 40 SL, 50 WP; Kaido 50 SL, 50 WP), Cytokinin (Zeatin) (Geno 2005 2 SL) hạn chế sự phát triển của tuyến trùng. Đồng thời sử dụng Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate (Bio - Humaxin Sen Vàng 6 SC), Trichoderma spp. (TRICÔ - ĐHCT) để phòng trừ nấm.

- Hạn chế xới xáo trong vườn cây bị bệnh để tránh làm tổn thương bộ rễ.

- Không sử dụng biện pháp tưới tràn.

- Khi phát hiện cây bệnh, tiến hành xử lý cây bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh dùng bằng thuốc tuyến trùng kết hợp với thuốc trừ nấm. Tưới 2 lần cách nhau 15 ngày để phòng và cô lập nguồn bệnh. Việc tưới thuốc nên thực hiện trong mùa mưa (tốt nhất vào đầu mùa mưa trong tháng 4 đến tháng 5) khi đất có đủ độ ẩm.

b) Bệnh gỉ sắt

Bệnh do nấm Hemileia vastatrix Berkeley & Broome gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh nhất vào cuối mùa mưa. Tác hại của bệnh là làm rụng lá, làm cho cây suy yếu, năng suất thấp. Nếu bị nặng cây có thể bị chết.

Biện pháp phòng trừ:

- Sử dụng dòng cà phê kháng bệnh đã được công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8...

- Ghép chồi để thay thế các cây bị nặng.

- Sử dụng một trong các loại thuốc thuốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC).

- Phun một trong các loại thuốc hóa học để phòng trừ bệnh như: Hexaconazole (Anvil 5 SC) hay Difenoconazon + Propiconazon (Tilt 300 EC) ở nồng độ 0,2%, Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300 EC) nồng độ 0,1%, Diniconazole (Sumi - Eight 12.5 WP) nồng độ 0,1%.

Khi phun thuốc phải bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Phải phun ướt đều các lá trên cây. Khi phun phải ngửa vòi để phun vào phía dưới mặt lá.

+ Thời điểm phun lần đầu khi cây có 10% lá bị bệnh (thường xảy ra sau khi bắt đầu mùa mưa 2 - 3 tháng), phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng.

+ Chỉ phun cho những cây bị bệnh nặng.

c) Bệnh khô cành, khô quả và bệnh thối cuống quả

Bệnh khô cành khô quả có nguyên nhân do mất cân đối dinh dưỡng hay do nấm Colletotrichum spp. gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành, quả, làm khô cành và rụng quả. Bệnh xuất hiện vào giữa mùa mưa (tháng 7 - 9).

Bệnh thối cuống quả do nấm Colletotrichum spp. gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên quả ngay từ giai đoạn còn non, làm quả bị thối từ cuống và rụng. Bệnh xuất hiện từ giữa mùa mưa.

Biện pháp phòng trừ:

- Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân đầy đủ để hạn chế tình trạng cây bị kiệt sức do ra quả quá nhiều. Cắt bỏ cành bị bệnh.

- Dùng thuốc sinh học: Trichoderma spp. + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC) hoặc một trong các loại thuốc hóa học như: Carbendazim (Carbenzim 500 FL, Carban 50 SC), Propineb (Antracol 70 WP) ở nồng độ 0,2 % hay Tebuconazone + Trifloxystrobin (Nativo 750 WG) ở nồng độ 0,05 %, Citrus oil (Map Green 6 AS) kết hợp với Difenoconazole + Propiconazole (Map super 300 EC) mỗi loại 5 ml pha chung trong bình 10 lít.

Phun vào đầu mùa mưa (sau khi có mưa 1 - 2 tháng), phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày.

d) Bệnh nấm hồng

Bệnh do nấm Corticum salmonicolor Berkeley & Broome gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu ở trên các cành nằm ở phần trên của tán, gần nơi phân cành và phần ngọn của cây. Bệnh thường phát sinh trong các tháng cuối mùa mưa. Khi cành bị bệnh hầu hết đều bị chết. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là phát hiện kịp thời để cắt bỏ các cành bệnh. Sử dụng một trong các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC). Nếu bệnh xuất hiện phổ biến có thể dùng thuốc hóa học Validamycin (Validacin 5 L, Validan 5 DD) nồng độ 2% hay Hexaconazole (Anvil 5 SC) nồng độ 0,2%, phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

e) Bệnh lở cổ rễ

Bệnh thường gây hại trên cây con trong vườn ươm, cây trong thời kỳ KTCB. Bệnh do nấm Rhizoctonia solani Kuhn và Fusarium spp. gây nên. Phần cổ rễ bị khô hay bị thối một phần khiến cây sinh trưởng chậm, vàng lá và có thể dẫn tới chết cây.

Biện pháp phòng trừ:

- Trong vườn ươm không để bầu đất quá ẩm hay bị đóng váng trên mặt bầu, điều chỉnh ánh sáng thích hợp. Nhổ bỏ và đốt cây bị bệnh, cây xung quanh phải được phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc sinh học Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate (Bio - Humaxin Sen Vàng 6 SC) hoặc thuốc hóa học Validamycin (Validacin 5 L, Validan 5 DD) nồng độ 2%; Benomyl (Bendazol 50 WP, Viben C 50 BTN) nồng độ 0,2%.


- Trên vườn cây giai đoạn KTCB không để đọng nước. Khi làm cỏ, chăm sóc tránh gây vết thương ở vùng cổ rễ. Nhổ bỏ và đốt cây bị bệnh nặng, cây bệnh nhẹ tưới vào mỗi gốc 1 - 2 lít dung dịch Benomyl (Bendazol 50 WP, Viben C 50 BTN) nồng độ 0,5 % hoặc Validamycin (Validacin 5 L, Validan 5 DD) nồng độ 3 %, tưới 2 - 3 lần cách nhau 15 ngày; Hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học có chứa nấm Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate (Bio - Humaxin Sen Vàng 6 SC để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh.


Số lượt đọc: 670 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác