1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:
- Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
- Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
- Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
- Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.
2. Qui trình sản xuất:
2.1. Thời vụ :
- Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:
+ Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
+ Vụ chính: Gieon hạt tháng 8, trồng tháng 9.
+ Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.
- Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.
2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:
- Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8-1m, rãnh rộng 25 cm.
- Bón lót phân: Mỗi ha bón 20-25 tấn phân chuồng mục và 10-15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5-2 cm.
- Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28-0,30 kg hạt và thu được 3-4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5-2,0g/m2.
- Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.
- Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3-5 ngày đầu, 1-2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3-4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4-5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
- Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5-2,0 tấn/ha).
- Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5-6 cm.
- Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 - 30 ngày tuổi, có 5-6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.
2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:
* Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100-120 cm, cao 15-20 cm, rãnh luống 20-30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
* Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu
- Vụ sớm: mật độ 33.000-35.000 cây/ha, khoảng cách 60x40 cm.
- Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000-30.000 cây/ha, khoảng cách 60x50 cm.
* Lượng phân và cách bón:
- Lượng phân bón cho 1ha: 20-25 tấn phân chuồng hoai mục, 350-400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
- Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7-10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
- Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20-25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
- Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30-35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.
Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.
* Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.
* Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM)
- Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
- Có thể trồng xen với cà chua để giảm mật độ sâu tơ.
- Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
- Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5-10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
- Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG...); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC...) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.
- Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.
2.4. Thu hoạch và bảo quản:
- Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1-2,5 kg tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
- Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0-2oC, độ ẩm 92-95% trong thời gian 4-8 ngày.
- Ủ phân hữu cơ để bón lúa hữu cơ (26/11/2019)
- Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sạ lúa theo khóm (26/11/2019)
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô nếp lai (11/12/2018)
- Kĩ thuật cho ớt chín đều (11/12/2018)
- Quy trình chăm sóc và bảo quản rau mầm (11/12/2018)
- Kỹ thuật trồng cây quất tết (11/12/2018)
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc tím (11/12/2018)
- Hướng dẫn cách trồng hoa cúc vạn thọ (11/12/2018)
- Cách trồng hoa cát tường (11/12/2018)
- Bà Rịa Vũng Tàu: Trồng dừa xiêm xanh cho thu nhập khá (07/12/2018)